Chị Lê từng là thành viên trong Đội thu gom rác thải xã Bình Giang
Chị Ngô Thị Lê thuộc Đội thu gom rác thải xã Bình Giang từ những ngày đầu thành lập đến nay ngót nghén 10 năm. Cùng với việc gom rác, đội của chị Lê còn có trách nhiệm thu phí vệ sinh môi trường tại hộ gia đình để nộp về xã.
Mỗi tuần một lần, sau khi thực hiện xong việc thu gom rác thải ở thôn Bình Tuý, chị Lê còn làm nghề thu mua ve chai, công việc này đã được chị làm thêm từ nhiều năm nay.
Số tiền bán ve chai ở từng hộ gia đình không nhiều, nhà nào có đám tiệc thì mới bán được vài chục ngàn đồng. Từ những đồng tiền ít ỏi thu mua ve chai, chị Lê đã nghĩ ngay đến ý tưởng cấn trừ vào tiền nộp phí vệ sinh môi trường hàng tháng (24.000 đồng/hộ/tháng).
Chị Ngô Thị Lê cho biết: Cùng ở trong thôn, hộ nào bán được bao nhiêu, tôi đều ghi chép cẩn thận, rõ ràng. Trước khi trừ, tôi cũng hỏi ý kiến các chị, đồng ý thì trừ dần. Mà đa số các hộ dân trong thôn Bình Hoà đều thích cách làm này.
Mỗi khi nhà có đám tiệc có được ít vỏ lon hoặc ít ve chai, gia đình bà Phan Thị Nở (thôn Bình Tuý) đều dành dụm lại để bán cho chị Lê để trừ dần vào tiền phí rác thải hàng tháng.
Mỗi khi có vỏ, chai nhự, chị Phan Thị Nở đều để dành cho chị Lê đến lấy
Chị Phan Thị Nở cho biết cách làm này rất hay, áp dụng theo cách này, bà con trừ dần, sau đó thiếu thì nộp thêm. Chừ quen rồi, có rác thải nhựa, gia đình tôi để chị Lê đến lấy, nói chung rất tin tưởng.
Từ việc thu gom rác và thu phí vệ sinh môi trường hàng tháng, chị Ngô Thị Lê còn vận động một số hộ dân mỗi ngày tiết kiệm mỗi ngày một ngàn đồng để bỏ vào heo đất, sau đó đập ra nộp phí môi trường hàng tháng hoặc quý.
Theo chị Trần Thị Kim Liên- Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Giang huyện Thăng Bình, trong quá trình thực hiện việc thu gom rác thải, các chị em phụ nữ đã có nhiều ý tưởng hay, hợp lý để vận động người dân tham gia vào Đề án thu phí vệ sinh môi trường, điển hình như chị Ngô Thị Lê. Cùng với đó, chị Lê cũng là một trong những tuyên truyền viên tích cực vận động các hộ phân loại rác thải tại nguồn, giảm bớt lượng rác ra môi trường.
“Những người làm nghề thu mua ve chai như chị Ngô Thị Lê thuộc nhóm lao động không ổn định nhưng có đóng góp trong việc giảm thiểu, tái chế rác thải nhựa. Từ đó, giảm bớt gánh nặng về tài chính cho địa phương về phí vệ sinh môi trường. Và những ý tưởng như của chị Ngô Thị Lê cũng cần được duy trì và nhân rộng tại từng thôn, tổ”- Chị Liên nhấn mạnh.