Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian tới, huyện Thăng Bình đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, tập trung chăm lo xây dựng con người Thăng Bình phát triển toàn diện về thể lực và trí lực, từng bước đúc kết, xây dựng hệ giá trị chung của người Thăng Bình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy mạnh mẽ lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với quê hương đất nước, với xã hội trong Nhân dân, nhất là thanh niên... nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Chú trọng giáo dục tư duy sáng tạo, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số,… Nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn toàn huyện. Phát huy vai trò của giáo dục trường học đối với phát triển và hoàn thiện nhân cách của học sinh. Giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, nhân ái, khoan dung, trung thực, trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại, có nhân cách tốt, lối sống đẹp,… gắn với giáo dục thẩm mỹ, thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các hoạt động xã hội phải chú trọng nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân. Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Chú trọng thực hiện Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng.
Thứ ba, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả. Chú trọng xây dựng văn hóa trong các cơ quan Nhà nước, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phục vụ Nhân dân; có ý thức tập thể, đoàn kết, kỷ luật cao và tinh thần thượng tôn pháp luật; kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thái độ cửa quyền, hách dịch, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của người dân. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đảm lợi ích đối với người lao động, có trách nhiệm đối với sự phát triển cộng đồng.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, văn hóa các vùng miền để làm giàu văn hóa địa phương. Cần quan tâm đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển các loại hình văn học nghệ thuật dân gian, chú trọng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương (nghệ thuật chưng cộ ở Chợ Được, lễ hội văn hóa miền biển, hát dân ca, bả trạo, lễ Cầu ngư,…). Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, thành lập và nâng cao chất lượng các của các câu lạc bộ văn học nghệ thuật, thể dục thể thao. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài đấu tranh cách mạng, kháng chiến, lịch sử và sự nghiệp phát triển của huyện nhà. Phát hiện và tạo mọi điều kiện để những người có năng khiếu, tài năng trẻ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, tham gia vào lĩnh vực sáng tác và biểu diễn, tham dự các trại, đợt sáng tác, biểu diễn, hội thi, hội diễn…
Thứ năm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực này thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa. Tiếp tục đầu tư phát triển các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống như đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu… để xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ gắn với thị trường văn hóa trong và ngoài nước.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, hy vọng rằng chúng ta sẽ xây dựng được văn hóa và con người Thăng Bình phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ huyện, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.