Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thăng Bình thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 7:23 | 06/10/2023 Lượt xem: 1261

Chính sách đối với người có công là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công là tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, là yếu tố thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội; thúc đẩy sự nghiệp đổi mới với tiến trình hội nhập và phát triển. Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thăng Bình luôn quan tâm chăm lo và triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có công với cách mạng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống nghìn đời của dân tộc ta. Trong những năm qua, nhất là trong hơn 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; các chế độ ưu đãi đối với người có công từng bước được bổ sung, hoàn thiện, qua nhiều lần điều chỉnh chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi ngày càng tăng lên, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với người có công với cách mạng.

Thăng Bình là huyện có truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là chiến trường ác liệt mà quân đội Mỹ, nguỵ đã để lại biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân. Đến nay, toàn huyện đã xác nhận hơn 25.000 người có công với cách mạng, trong đó có hơn 10.800 liệt sĩ, 2.115 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 26 Anh hùng LLVTND, gần 1.400 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 376 bệnh binh, 76 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 và trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945, 441 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 1.200 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 1500 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, hơn 7.500 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến.

Hiện nay, công tác quản lý đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn huyện được thực hiện chặt chẽ; việc giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng đầy đủ, kịp thời, công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư lĩnh vực người có công được tăng cường, qua đó kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc, khắc phục những hạn chế thiếu sót, góp phần giải quyết tốt các chính sách đối với người có công. Đến nay, toàn huyện có 4.553 người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng và hơn …..thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Trong những năm qua, ngân sách nhà nước chi ưu đãi người có công đều tăng, bình quân mỗi năm tổng kinh phí ngân sách chi trả trợ cấp hằng tháng đối với người có công và thân nhân toàn huyện gần 100 tỷ đồng.

Ngoài trợ cấp thường xuyên, người có công với cách mạng và thân nhân còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác như: bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; hỗ trợ cải thiện nhà ở; miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh; miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật… Thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, trong 2 năm (2022 -2023) toàn huyện có 3.630 người có công được hưởng chế độ điều dưỡng, trong đó có 836 người đi điều dưỡng tập trung và 2.003 người hưởng chế độ điều dưỡng tại gia. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện được quan tâm, trong hơn 07 năm qua toàn huyện có 5.129 hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 135 tỷ đồng. 100% xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Đa số người có công với cách mạng trên địa bàn huyện có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân bằng những việc làm cụ thể đã có những đóng góp tích cực vào phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, tiêu biểu như: Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Các phong trào, hoạt động thiết thực đó đã tạo sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia của cả cộng đồng, tạo nét đẹp truyền thống của dân tộc. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã vận động được trên 3,6 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình người có công xây dựng mới trên 60 căn nhà tình nghĩa; tặng 2.460 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 02 tỷ đồng và hỗ trợ hơn 600 trường hợp đặc biệt khó khăn. Tất cả các Mẹ VNAH còn sống (toàn huyện còn 27 Mẹ) đều được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với mức hơn 02 triệu đồng/Mẹ.  Mỗi năm, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện huy động được hơn 500 triệu đồng, nâng tổng kinh phí Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện đang quản lý đến thời điểm hiện nay hơn 3,7 tỷ đồng.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7) và Tết Nguyên đán, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp trong toàn huyện đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà trợ cấp thăm hỏi của Tỉnh được chuyển đến các gia đình có công toàn huyện với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng/năm. Đồng thời, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thắp nến tri ân, tổ chức lễ viếng hương tại các Nghĩa trang liệt sĩ… Điều đó, thể hiện lòng biết ơn, tri ân với những người có công với cách mạng, tạo ra những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.



Trao quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại buổi gặp mặt người có công tiêu biểu năm 2022

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính các liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt, nhờ sự phát huy thành tựu của công nghệ, truyền thông, internet, công tác tìm kiếm, xác định danh tính, thân nhân của các liệt sĩ đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của đông đảo người dân. Thời gian qua, toàn huyện đã tìm kiếm, quy tập 6.369 phần mộ liệt sĩ vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện và hơn 4.500 mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang gia tộc.

Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ được các cấp, các ngành và người dân địa phương chú trọng. Đến nay, Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ huyện và 19 nghĩa trang liệt sĩ ở các xã đã được đầu tư xây dựng khang trang. Đặc biệt, năm 2014 huyện đã khởi công đầu tư xây dựng Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ huyện và khánh thành vào năm 2018 với tổng nguồn kinh phí thực hiện dự án gần 30 tỷ đồng. Đây là những việc làm có ý nghĩa to lớn, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hiện nay, trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước trong giai đoạn mới, nhiều người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Thăng Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp, tích cực tham gia lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Đã xuất hiện gương thương binh, bệnh binh có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, gia đình chính sách đã có đóng góp tích cực, nhất là việc hiến đất, góp đất làm đường giao thông, công trình phúc lợi xã hội và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Từ thực tiễn những kết quả đạt được trong thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tập trung chỉ đạo UBND huyện, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung:

Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư v tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công... Thường xuyên tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và những người có công với nước. Từ đó, cùng “chung tay” thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trở thành hoạt động thường xuyên ở các địa phương.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng theo đúng quy định. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi lợi dụng, làm giả hồ sơ giấy tờ để trục lợi chính sách. Quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, đào tạo nghề, cho vay vốn, tạo việc làm cho những người có công và con em của họ; giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình người có công còn nhiều khó khăn trong cuộc sống để thực hiện và duy trì được mục tiêu: các gia đình có công cách mạng đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Ba là, tích cực huy động mọi nguồn lực trong thực hiện chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tăng cường vận động nhân dân chung sức trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng trong cộng đồng dân cư; có nhiều biện pháp kết hợp, phát huy các nguồn lực của Trung ương, tỉnh và nguồn lực tại chỗ hợp lý, hiệu quả; thực hiện công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ, kiên quyết khắc phục, đẩy lùi những tiêu cực, sai phạm trong quá trình huy động các nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Bốn là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát công tác thực hiện chính sách người có công với cách mạng tại địa phương; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng.

Năm là, chú trọng tuyên truyền, giúp đỡ, khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của người có công. Chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt việc tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy ý chí tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất và tham gia các hoạt động xã hội.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công ở huyện Thăng Bình trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Trong thời gian tới, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các tập thể, cá nhân trong toàn huyện với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bằng tình cảm sâu sắc và việc làm thiết thực, tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với người có công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội để xây dựng huyện Thăng Bình ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./.



Tác giả: Phan Công Vỹ - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031421110