Cách đây vừa tròn 76 năm (ngày 27/7/1947), khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc ta, triệu người như một, đã nhất tề đứng dậy không sợ gian khổ, hy sinh, quyết bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do"!. Với tầm nhìn chiến lược hết sức sâu sắc và nhân văn, ngay từ thời điểm đó, ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của Dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến nay, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh.
Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 76 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Huyện Thăng Bình là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là chiến trường ác liệt mà quân đội Mỹ, nguỵ đã để lại biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 20 tập thể, 24 cá nhân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, toàn huyện có trên 10.800 liệt sĩ, 2.115 Bà Mẹ VNAH, hiện nay còn sống 28 mẹ, trên 1.600 thương, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, gần 7.500 người có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, 1.378 người đang hưởng tuất liệt sĩ, hơn 320 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gần 1.200 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Thăng Bình đã có nhiều biện pháp và kế hoạch, phong trào phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đến nay, đã có hơn 4.600 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi, hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí chi trả bình quân hằng năm hơn 87 tỷ đồng. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, các cấp uỷ, chính quyền còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ,...
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thăng Bình luôn quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách trên địa bàn; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện đã vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.
Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng, huyện đã tập trung quán triệt, triển khai các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người có công. Đẩy mạnh cuộc vận động tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa tại các xã, thị trấn. Tập trung tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; phong trào phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nên phong trào đền ơn đáp nghĩa ở Thăng Bình ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa của cán bộ và nhân dân, các tổ chức đoàn thể, xã hội trên địa bàn huyện. Các hồ sơ về chính sách người có công với cách mạng như thờ cúng liệt sĩ, người có công từ trần…được thực hiện đầy đủ. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với thế hệ đi trước đã có nhiều cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như trích thu nhập từ tiền lương đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức tôn tạo, chăm sóc và làm vệ sinh sạch đẹp, dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tu sửa nhà, xây dựng nhà cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn….

Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Hùng thắp nén nhang tưởng niệm các liệt sĩ
Bên cạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các cấp, các ngành đã chú trọng việc phát triển đa dạng ngành nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là công tác tư vấn và trợ giúp con em các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đi xuất khẩu lao động. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Bảo đảm sự yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần cho các đối tượng chính sách” là một việc làm vô cùng quan trọng. Chính việc thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần quan trọng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Tưởng nhớ và tri ân với những người thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ không phải chỉ là công việc của ngày 27/7, mà đó là việc làm thường xuyên, xuyên suốt hằng ngày, hàng tháng, hàng năm, không phải chỉ là việc của một cá nhân, một tổ chức riêng lẽ mà nó là nghĩa vụ thiêng liêng của một đất nước, một dân tộc. Do vậy, hãy sống sao cho xứng đáng với công lao to lớn ấy, hãy thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và hãy chung tay cùng Đảng và Nhà nước thực hiện tích cực những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đến những thương binh, liệt sĩ và người thân của họ.