Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) hướng đến xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó, xây dựng gia đình văn hóa được xác định là một nội dung nòng cốt và luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, dành nguồn lực để triển khai thực hiện. Nhờ đó, xây dựng gia đình văn hóa đã và đang trở thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa đến từng gia đình, dòng họ, làng, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa được thể hiện qua nhiều phong trào ý nghĩa, như “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo”...
Trong 5 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các ban, ngành, đoàn thể, phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung, phong trào xây dựng gia đình văn hóa nói riêng có những bước tiến bộ rõ rệt và thu được những kết quả quan trọng. Việc xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên trong gia đình. Từ đó, đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; diện mạo nông thôn, đô thị từng bước đổi mới, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn huyện.
Qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, chất lượng gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Cảnh quan văn hóa và vệ sinh môi trường ở các gia đình, thôn, khu phố được chú trọng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được bà con hưởng ứng và thực hiện. Hoạt động thể dục thể thao được duy trì và phát triển; các di tích lịch sử - văn hóa được bảo tồn và gìn giữ; phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển; các lễ hội văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy theo hướng tích cực. Công tác đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững được nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhiều tổ đoàn kết đã vận động nhân dân giúp nhau trong cuộc sống, phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, thu hút lao động, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng gia đình văn hóa cũng còn những hạn chế đó là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền và Ban chỉ đạo các xã, thị trấn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ trong chỉ đạo tổ chức vận động thực hiện phong trào. Công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình vẫn còn hạn chế. Tình trạng giáo dục trong gia đình đang bị buông lỏng dẫn đến nguy cơ trẻ em sa vào các tệ nạn xã hội. Chất lượng phong trào hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững; tỷ lệ GĐVH ngày càng giảm. Vẫn còn một số hộ dân chưa thực hiện tốt nếp sống văn minh trong xây dựng NTM, đô thị văn minh. Sự đồng thuận, ủng hộ của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án không cao, có những trường hợp đòi hỏi về quyền lợi ngoài cơ chế chính sách của Nhà nước quy định, dẫn đến nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, nhiều dự án trọng điểm của huyện chậm tiến độ. Việc bình xét công nhận gia đình văn hoá ở một số địa phương thực hiện chưa đúng theo quy trình, chưa dân chủ, còn hình thức.
Xây dựng gia đình văn hóa là nền tảng hình thành con người văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa của huyện ngày càng sâu rộng, đồng đều, thực chất và bền vững, được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng mạnh, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về ý nghĩa của phong trào xây dựng GĐVH, coi đây là cốt lõi của phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng NTM; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng an ninh của huyện trong những năm đến. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao huyện Thăng Bình giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể, các gia đình, cá nhân và cộng đồng về vị trí vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục với nhiều hình thức, cung cấp cho các cá nhân kiến thức về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình. Mỗi cá nhân, gia đình nhận thức sâu sắc ý nghĩa và trách nhiệm của việc xây dựng phát huy giá trị GÐVH, thực hiện nếp sống văn minh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú. Tăng cường phòng ngừa ngăn chặn các tệ nạn xã hội; phòng chống bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em; vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình để xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…
Tích cực xây dựng, nhân rộng những GĐVH tiêu biểu; phê phán những biểu hiện tiêu cực trong việc xây dựng GÐVH, phòng chống quyết liệt những biểu hiện tiêu cực xâm hại; có biện pháp loại trừ những sản phẩm văn hoá độc hại tác động đến gia đình. Hướng dẫn, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, phấn đấu hằng năm tăng tỷ lệ hộ khá giàu, giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Tích cực vận động nhân dân trong thôn, khu phố phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt và cuộc sống, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, chấp hành tốt việc bàn giao mặt bằng, hiến đất, vật kiến để mở đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi và kết cấu hạ tầng nông thôn, đô thị. Nhân rộng các mô hình câu lạc bộ như xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, tạo sức lan tỏa thành phong trào rộng lớn thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Tích cực chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện chính sách DS- KHHGĐ. Phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa, kịp thời ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường tác động vào tư tưởng, đạo đức, lối sống của nhân dân. Hình thành cơ chế tự quản cộng đồng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, coi văn hóa là sự nghiệp của toàn toàn dân. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý văn hóa thông tin từ huyện đến cơ sở. Tiến hành kiểm tra, bình xét các danh hiệu văn hoá đúng quy trình, đảm bảo thực chất.