Dân tộc ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Theo lời dạy của Bác “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, thời đại nào cũng vậy, giáo dục đào tạo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại. Bởi giáo dục với thiên chức là đào tạo con người, dạy dỗ, chăm lo việc học tập cho thế hệ trẻ, phát triển những tài năng để phục vụ xây dựng quê hương, đất nước. Đảng và Nhà nước đã xác định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là một dịp để xã hội tôn vinh những người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, những người vẫn miệt mài ngày đêm với sự nghiệp trồng người.
Truyền thống của giáo dục Việt Nam và truyền thống của người giáo viên Việt Nam đã có bề dày lịch sử. Nếu phác họa, chân dung nhà giáo Việt Nam qua các thời đại sẽ có những dáng nét khác nhau, nhưng nét chung vẫn là: độ lượng, nhân từ, cần mẫn vì đạo học, luôn tự vấn mình để vươn tới thanh cao. Thời phong kiến là hình ảnh ông Đồ Nho nâng niu sách Thánh hiền, truyền dạy đạo đời – nhân nghĩa cho mỗi môn sinh. Thời thuộc Pháp là ông giáo Tây học, dù dạy chữ Tây vẫn đau đáu với lo giữ quốc túy, quốc hồn dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám là ông giáo làng, tận tâm cho việc mở mang dân trí. Rồi thầy giáo là chiến sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học... của thời đại Hồ Chí Minh, làm sáng danh đất nước. Và thầy giáo hiện đại hôm nay vừa cầm phấn vừa nhấn phím, dạy học ngang tầm nhân loại.
Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng từ xưa đến nay vẫn ghi sâu vào tâm trí mỗi người, tuy họ chẳng được khắc bảng vàng bia đá. Nhà giáo nữ đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ XV là bà Ngô Chi Lan, quê ở Phù Lỗ, Kim Hoá, Sóc Sơn đã được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học. Thầy Đỗ Năng Tế dạy học cho hai Bà Trưng. Các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến,... đều là những thầy giáo mẫu mực, tài giỏi. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng dạy học ở một số trường trước khi đi hoạt động cách mạng...
Có thể nói, người thầy giáo từ bao đời nay là biểu tượng cao quý, mẫu mực, được xã hội tôn vinh và kính trọng. Từ ngàn đời nay nhân dân ta đã khẳng định “Không có thầy đố mầy làm nên”, đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Do đó, vai trò của đội ngũ nhà giáo và những người làm công tác giáo dục là vô cùng quan trọng, vị thế của người giáo viên được nâng lên một tầm cao mới, vừa vinh quang, vừa đầy trọng trách.
Huyện Thăng Bình luôn quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo

Đội ngũ giáo viên luôn tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu
Tiếp nối truyền thống đó, 40 năm qua, trong niềm tự hào, ý thức trách nhiệm và nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo, các thế hệ nhà giáo của huyện Thăng Bình đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua nhiều khó khăn, tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành, của địa phương, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành giáo dụ với những thành tích quan trọng: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học từ Mầm non đến Trung học phổ thông được mở rộng và phát triển; Chất lượng giáo dục, hiệu quả giáo dục tiếp tục có những chuyển biến rõ nét và toàn diện ở các cấp học; huyện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phân luồng sau tốt nghiệp THCS, phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cơ sở vật chất trường, lớp được chú trọng đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa. Tính đến tháng 9/2022, toàn ngành có 65/70 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 92,8%. Công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục có nhiều đổi mới. Đội ngũ nhà giáo tăng cường về số lượng, chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Hoạt động xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhân dân tin tưởng ở nhà trường, tích cực tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Toàn ngành đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, đạt hạnh kiểm tốt ngày một tăng, có nhiều học sinh giỏi quốc gia và học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng tăng đáng kể...
Năm học 2021-2022 trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống, trong đó ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Tuy vậy, phong trào thi đua "Hai tốt" diễn ra sôi nổi trên khắp các đơn vị trường học, đã có những tấm gương điển hình, những cá nhân tiêu biểu được các cấp trao tặng các danh hiệu thi đua: 03 tập thể được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Nam; 28 đơn vị đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 03 tập thể và 07 cá nhân được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 02 cá nhân được đề nghị tặng Bằng khen của Bộ GDĐT và nhiều tập thể, cá nhân được nhận danh hiệu thi đua các cấp...Đó là minh chứng sinh động, nét son tươi sáng của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo huyện Thăng Bình đóng góp tô đẹp thêm truyền thống Nhà giáo Việt Nam.
Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ôn lại truyền thống nhà giáo Việt Nam để chúng ta hiểu rằng, xây dựng và đào tạo con người là yếu tố hết sức quan trọng và càng thấm nhuần sâu sắc quan điểm, mục tiêu đổi mới của Đảng ta trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để có những con người mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thì không thể thiếu đội ngũ những người thầy tích cực đổi mới. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang mà đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quyết định đối với mỗi người và cộng đồng dân tộc. Vì thế, cùng với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, đội ngũ nhà giáo huyện Thăng Bình đã xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp “trồng người”, giữ gìn và phát huy thành quả sư phạm của các thế hệ đi trước, không ngừng phấn đấu trau đồi đạo đức nhân cách, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giáo phó.