Chính sách hợp lòng dân
Hơn 2 năm trước, cải tạo diện tích đất trồng keo lá tràm kém hiệu quả, ông Phan Văn Thọ (thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh) chuyển sang trồng cỏ và nuôi bò. Có ý tưởng phát triển kinh tế nhưng lại thiếu vốn, ông Thọ được tiếp cận kịp thời nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Thời điểm này, ông Thọ mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống để nuôi bò cái sinh sản.
“Hiện nay, đàn bò của gia đình gần 20 con bò cái sinh sản, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi ròng gần 150 triệu đồng” – Ông Thọ phấn khởi.
Đến thăm mô hình trồng rau thủy canh của chị Diệp Thị Thu Trang (thôn Nam Hà, xã Bình Dương), chúng tôi đón nhận niềm vui, sự phấn khởi của cô gái trẻ. Với mong muốn phát triển kinh tế, đi lên từ mãnh đất quê hương, chị Trang đã nuôi dưỡng đam mê làm rau sạch với mô hình trồng rau thủy canh. Cuối năm 2021, chị cùng các cộng sự thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Bình. Trên hành trình nuôi dưỡng khát vọng, chị Trang có thêm trợ lực từ nguồn vốn vay chính sách của gia đình cận nghèo vào năm 2019 và vay giải quyết việc làm năm 2021.
“Từ nguồn vốn vay 150 triệu đồng, tôi có điều kiện để đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất. Hiện thị trường của HTX chủ yếu tại Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận” – Chị Diệp Thị Thảo Trang chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Húy – Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình cho biết, đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại huyện Thăng Bình đạt trên 738 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 6,85% (năm 2005), đến nay còn 2,69%, tỷ lệ hộ cận nghèo đến nay còn 1,81%. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động; xây dựng gần 15.000 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ hơn 10 nghìn học sinh, sinh viên có điều kiện tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng…
Ông Nguyễn Văn Húy nói thêm, toàn huyện đã triển khai chính sách tín dụng với 13 chương trình cho vay, tăng 11 chương trình so với thời điểm ban đầu. Với phương thức ủy thác quá trình cho vay cho 4 tổ chức chính trị- xã hội gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tổng nguồn vốn ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội này là trên 651 tỷ đồng.
Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ luôn là phương châm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình khi tiếp nhận nguyện vọng với người dân.
Cầu nối từ cơ sở
Suốt hành trình 20 năm qua, Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách, là cầu nối giữa Ngân hàng, Chính quyền, đoàn thể với người vay. Đến nay, toàn huyện có 400 Tổ TK&VV, hoạt động đều khắp ở 106 thôn, khu phố.
Theo ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình, toàn huyện có 22 Điểm giao dịch xã. Mô hình hoạt động của Điểm giao dịch xã đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của người dân khi vay vốn. Hoạt động này góp phần đưa giao dịch giữa người dân và ngân hàng được thuận lợi hơn. Đây cũng là cách để chính quyền cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương.
Ngoài ra, các Hội, đoàn thể cơ sở đã phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, phối hợp tuyên truyền, giám sát việc bình xét cho vay, hỗ trợ, quản lý hoạt động của đội ngũ Tổ TK&VV, qua đó nguồn vốn vay đã được chuyển tải kịp thời đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
“Thăng Bình là huyện có tổng dư nợ lớn, xác định đây là chính sách nhân văn, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn liền với giảm nghèo bền vững. Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã huyện luôn nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách theo đúng tinh thần: “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” – Ông Trần Quốc Tuấn nói.