Xác định giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là quốc sách hàng đầu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Vì vậy, sau khi Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết 11-NQ/TU và xây dựng Chương trình 19-CTr/HU của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU để triển khai đến toàn thể cán bộ chủ chốt và cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cũng như toàn thể cán bộ, đảng viên về vị trí, tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tỉnh Quảng Nam trong tình hình mới. Cùng với đó, Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, các địa phương ban hành các Chương trình, Kế hoạch, Đề án phát triển GD-ĐT của huyện đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đồng thời, trong Nghị quyết Đại hội cả nhiệm kỳ cũng như Nghị quyết hằng năm, các cấp uỷ luôn đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác GD-ĐT vào Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Qua đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, đạt hạnh kiểm tốt ngày một tăng, có nhiều học sinh giỏi quốc gia và học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng tăng đáng kể... Trong các năm học qua, ngành GD-ĐT huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo cân đối, hợp lý giữa quy mô và cơ cấu; giữa các loại hình, giữa các vùng và giữa các cấp học. Tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện đã có 65/70 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 92,86%; có 19/70 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tỷ lệ 27,14%. Toàn ngành giáo dục thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục. Tập trung giữ vững và phát triển kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, huyện Thăng Bình được UBND tỉnh kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến nay, đã có 70/70 trường công lập hoàn thành công tác tự đánh giá. Toàn ngành có 41/70 trường được Sở GD-ĐT đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 59,57%.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã thực hiện tốt chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phẩm chất, năng lực người học; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi thi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh trong việc thi và kiểm tra, đảm bảo thực chất, khách quan, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh; đồng thời triển khai nhiều hình thức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19; hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn huyện. Chỉ đạo ngành giáo dục tập trung đổi mới căn bản phương pháp dạy học,chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân, ngoại ngữ, tin học; vận dụng kiến thức vào thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tăng cường công tác quản lý, phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong học đường.
Việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện được phát triển khá sâu rộng và đem lại những hiệu quả thiết thực. Phòng GD-ĐT huyện và Hội Khuyến học huyện tham mưu thành lập và thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng huyện Thăng Bình; toàn huyện có 21 xã, thị trấn tổ chức triển khai đến các thôn, khu phố, dòng tộc, cơ quan; có 09 xã, thị trấn tổ chức tổng kết 5 năm về thực hiện các mô hình học tập...
Công tác quản lý giáo dục đã được quan tâm, đổi mới cả về nội dung và phương pháp thực hiện, đã tác động đến chất lượng và hiệu quả giáo dục ở các đơn vị. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, thu hút được các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển GD-ĐT trên địa bàn huyện. Công tác phổ cập giáo dục đạt kế hoạch đề ra. Việc quy hoạch mạng lưới trường học được chú trọng, cơ bản hoàn thành theo lộ trình đề ra. Các hoạt động đổi mới dạy học bước đầu đạt kết quả. Ngành giáo dục đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Huyện triển khai thực hiện tốt các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, dạy và học. Cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động dạy học, quản lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…
UBND huyện Thăng Bình luôn quan tâm động viên, khen thưởng
cho các em học sinh đoạt giải trong các cuộc thi cấp quốc gia, tỉnh, huyện
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng đáp ứng yêu cầu đổi mới GD- ĐT, chất lượng ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2021, toàn ngành giáo dục có 2.278 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Có 100% cán bộ quản lý đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn (thạc sĩ 4 người, 2,7%; đại học 127 người, 85,81%; cao đẳng 19 người, 12,84%); trên 70% giáo viên có trình độ đại học trở lên.
Huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất trường học đúng trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả cao, khắc phục tình trạng thiếu phòng học, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm đảm bảo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Hội Khuyến học huyện đã vận động trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn với nhiều phần thưởng bằng hiện vật có giá trị. 5 năm qua, Hội Khuyến học huyện đã vận động tổng số tiền hơn 37 tỷ đồng, trong đó đã chi 30 tỷ đồng cấp học bổng, khen thưởng và các hỗ trợ khác để trợ giúp hàng nghìn học sinh, sinh viên nghèo, động viên hàng trăm học sinh giỏi và đóng góp rất nhiều trong việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học.
Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 19-CTr/HU của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, công tác GD-ĐT huyện Thăng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển GD-ĐT của huyện. Thời gian đến, trên tinh thần và quyết tâm đổi mới toàn diện GD-ĐT, các cấp, các ngành tích cực chăm lo sự nghiệp “trồng người”; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp GD-ĐT phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội và phát triển nguồn nhân lực của huyện.