Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát triển sự nghiệp văn hoá thể thao, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 15:21 | 13/11/2021 Lượt xem: 9539

Với mục tiêu đưa sự nghiệp văn hóa, thể thao phát triển, làm nguồn lực, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ huyện Thăng Bình thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao, luôn gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong huyện.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là một trong những nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Phong trào đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, hội, đoàn thể và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân. Phong trào đã đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực trong xã hội, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh, người dân tự nguyện hiến đất góp công mở đường, xây dựng những mô hình nhà sạch-vườn đẹp, những đường hoa để tạo nên đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 44.419/54.004 hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 82,3%; có 89/106 thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa, tỷ lệ 84%. Nhiều thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa 5 năm, 10 năm liền trở lên.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử được chú trọng; các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian, phong trào văn nghệ quần chúng được toàn dân hưởng ứng, nuôi dưỡng và phát huy theo chiều hướng tích cực. Hiện nay toàn huyện có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 01 di tích cấp quốc gia, 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh và một số di tích khác đã và đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhiều công trình về văn hóa phi vật thể được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn như: Lễ hội Bà Chợ Được, Lễ hội Cầu ngư,…

Các chương trình mục tiêu về xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư, xây mới đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. Hiện nay huyện đã quy hoạch khu Quảng trường, Trung tâm Văn hóa - Thể thao ở vị trí mới với diện tích và quy mô bề thế để xây dựng thay thế khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đã xuống cấp; quy hoạch và xây dựng Khu công viên Hà Kiều. Đến nay, toàn huyện có 22/22 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 106/106 Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, khu phố là nơi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động thể thao, văn nghệ tạo tiền đề cho các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển.

Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã được các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Với mục tiêu tạo sự chuyển biến về quy mô và chất lượng TDTT, nâng cao sức khỏe của người dân, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT và để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình. Từ đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên hằng năm đều tăng, tính đến nay, số người thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao là 32,39%, số gia đình thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao là 25,02%. Trong nhiều năm qua, huyện đã tập trung đầu tư một số môn thế mạnh trọng điểm để phát triển phong trào có tính vững chắc và lâu dài như: Bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đua thuyền, bóng đá nam, võ Karatedo, võ Taewondo, võ thuật cổ truyền; đồng thời phát triển một số môn thể thao mới như: bóng đá mini, cầu lông, bida... Đến năm 2020 có 15 câu lạc bộ ở nhiều lĩnh vực như: cầu lông, thể dục dưỡng sinh, câu cá, võ thuật... Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện mỗi năm trung bình tổ chức được 70 giải cấp xã, 07 đến 10 giải cấp huyện, 10 giải tham gia cấp tỉnh và trên 10 giải do các CLB, các ngành dọc tổ chức thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, người lao động trên địa bàn tham gia. Phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức cũng không ngừng phát triển.



Các giải thể thao do huyện tổ chức đều thu hút đông đảo vận động viên ở các địa phương và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện tham gia


Lễ hội Cộ Bà Chợ Được, nét văn hóa đặc sắc ở Thăng Bình

Từ những kết quả đạt được của địa phương trong thời gian qua có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển sự nghiệp văn hoá thể thao trên địa bàn đó là:

Trước hết, có thể thấy, nơi nào có sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể; xác định đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, thể thao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kịp thời, kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra thì nơi đó phong trào phát triển toàn diện và vững chắc.

Hai là, xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao là sự nghiệp của Nhân dân do Đảng lãnh đạo, do đó các cấp ủy đảng, chính quyền cần chú trọng vai trò chủ thể của Nhân dân và vận dụng tốt phương châm xã hội hoá trong quá trình vận động xây dựng phong trào. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò khơi nguồn hỗ trợ và đầu tư ban đầu để phát huy tính chủ động tại cơ sở. Phối hợp tốt nội dung xây dựng văn hoá với các chương trình kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Ba là, tăng cường xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; từng bước củng cố và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn, đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Cần coi trọng vai trò của các cơ quan truyền thông trong tuyên truyền, quảng bá và định hướng dư luận xã hội.


Tác giả: Đông Anh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031229708