Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 21:46 | 15/07/2021 Lượt xem: 7280

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, nhằm bù đắp phần nào những mất mát cho các gia đình chính sách, tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Huyện Thăng Bình là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là chiến trường ác liệt mà quân đội Mỹ, nguỵ đã để lại biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân. Đến nay, toàn huyện có trên 9.600 liệt sĩ, gần 1.200 thương bệnh binh, gần 7.600 gia đình có công cách mạng. 1.980 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 46 mẹ còn sống...

Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của mỗi chúng ta là phải quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ”. Vì thế, Đảng, Nhà nước ta đã sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thăng Bình luôn quan tâm và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công và các đối tượng chính sách trên địa bàn; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện đã vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.

Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng, huyện đã tập trung quán triệt, triển khai các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người có công. Đẩy mạnh cuộc vận động tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng Quỹ đền ơn đáp nghĩa tại các xã, thị trấn. Tập trung tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; phong trào phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nên phong trào đền ơn đáp nghĩa ở Thăng Bình ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành nét đẹp văn hóa của cán bộ và nhân dân, các tổ chức đoàn thể, xã hội trên địa bàn huyện. Các hồ sơ về chính sách người có công với cách mạng như thờ cúng liệt sĩ, người có công từ trần…được thực hiện đầy đủ. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự biết ơn đối với thế hệ đi trước đã có nhiều cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như trích thu nhập từ tiền lương đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức tôn tạo, chăm sóc và làm vệ sinh sạch đẹp, dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tu sửa nhà, xây dựng nhà cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn…. 

    Bên cạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các cấp, ngành đã chú trọng việc phát triển đa dạng ngành nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là công tác tư vấn và trợ giúp con em các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đi xuất khẩu lao động. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Bảo đảm sự yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần cho các đối tượng chính sách” là một việc làm vô cùng quan trọng. Chính việc thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần quan trọng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền và nhân dân xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh...    

Thăng Bình làm tốt công tác huy động, kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, cộng đồn  để chia sẻ, chăm lo tốt hơn cho các gia đình người có công với cách mạng

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực tế vẫn còn có những gia đình chính sách chưa được chăm sóc một cách đầy đủ; vẫn còn có những người có công với cách mạng bị thiệt thòi; đời sống của nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ vẫn còn khó khăn, thiếu thốn; việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, nhưng đến nay vẫn còn một phần lớn mộ phần liệt sĩ ở các nghĩa trang chưa có danh tính, nhiều liệt sĩ chưa tìm được để quy tập vào nghĩa trang...

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đặc biệt là phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, vì vậy, trong thời gian tới các cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Tiếp tục tổ chức quản lý và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Phối hợp giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định hiện hành và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ban ngành Trung ương, tỉnh, nhất là chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Cải tiến lề lối làm việc, đổi mới tổ chức bộ máy làm công tác ưu đãi xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Nâng cao chất lượng việc chăm sóc và nâng cao đời sống mọi mặt cho người có công và gia đình họ thông qua các chương trình hỗ trợ về sản xuất, về nhà ở, dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng, đặc biệt là không để còn hộ gia đình chính sách nghèo, nhà cửa dột nát, tạo điều kiện thuận lợi để những gia đình có công với cách mạng có điều kiện và cuộc sống tốt hơn. Thực hiện tốt việc quản lý chăm sóc, tu sửa, nâng cấp các mộ, nghĩa trang liệt sĩ, phối hợp khảo sát, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ.

Tiếp tục duy trì và phát triển, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đơn vị xã, thị trấn làm tốt công tác ưu đãi người có công theo các tiêu chuẩn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với chất lượng ngày càng cao hơn. Đặc biệt là đề cao vai trò gương mẫu, tích cực, ý chí tự lực tự cường, vươn lên trong cuộc sống của người có công. Động viên, khích lệ đối với con em người có công nỗ lực vươn lên trong học tập, sáng tạo trong lao động, sản xuất…

“Tháng Bảy tri ân” là dịp để chúng ta cùng thể hiện trách nhiệm của mình nhằm ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Bằng những việc làm cụ thể để chung tay cùng chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng chu đáo hơn. Đó cũng là nghĩa cử như một nén hương kính cẩn tri ân những người đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”./.

Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031253381