Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”, Huyện ủy, UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện công tác PCGD, XMC ở địa phương. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành điều tra bổ sung để xây dựng kế hoạch huy động trẻ trong độ tuổi trên địa bàn đi học. Triển khai cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, trường học xây dựng và thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch của từng năm học, đảm bảo chất lượng học tập của học sinh; thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện, kịp thời có những biện pháp củng cố, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện PCGD, XMC. Việc thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW được huyện gắn với đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục; huy động mọi nguồn lực quan tâm củng cố, xây dựng cơ sở vật chất thiết bị trường học; tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục; gắn với công tác xã hội hóa… Huy động tối đa số đối tượng trong độ tuổi PCGD, XMC đã bỏ học tham gia các lớp bổ túc. Giải quyết các chế độ, chính sách kịp thời cho học viên, giáo viên làm công tác phổ cập…nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, chất lượng dạy học và hạn chế lưu ban, bỏ học ở tiểu học, THCS, từ đó các mục tiêu PCGD, XMC đạt chuẩn cao và vững chắc.
Nhờ triển khai các giải pháp tích cực, công tác PCGD, XMC ở huyện Thăng Bình ngày càng đạt nhiều kết quả đáng kể. Công tác phổ cập giáo dục mần non cho trẻ 05 tuổi đạt được chú trọng; tỷ lệ trẻ 05 tuổi được phổ cập đạt 99,7%; trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,93%. Phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 đạt 100%, có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; tỷ lệ phổ cập trung học cơ sở cấp độ 3 đạt 100%. Công tác xóa mù chữ cùng được thường xuyên quan tâm; số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ ở mức độ 2 là 209.907/211/380 người, đạt tỷ lệ 99,3%; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 2.
(Ảnh: Nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện huy động trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%)
Mạng lưới trường, lớp học của huyện không ngừng phát triển, hằng năm số phòng học được nâng cấp và xây mới. Các phòng thiết bị, thí nghiệm, thực hành của các trường từng bước được đầu tư xây dựng theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc cung ứng thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng bước đầu yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; sách giáo khoa, sách giáo viên được cung cấp tương đối đầy đủ cho giáo viên và học sinh, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đảm bảo về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng cao. Nếu như đến cuối năm học 2010 - 2011, từ bậc giáo dục mầm non đến trung học cơ sở có 2.085 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thì đến cuối năm học 2020 - 2021 có 2.222 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tính đến năm học 2020 - 2021, tổng số trường học trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý là 73 trường; trong đó có 70/73 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 95,89% (cấp học mầm non có 23/23 trường, tỷ lệ 100%; cấp tiểu học có 26/29 trường, tỷ lệ 89,65%; cấp THCS có 21/21 trường, tỉ lệ 100%). Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 05 trường mầm non tư thục góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của địa phương.
Tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng nhiệm kì 2020-2025 đề ra đối với sự nghiệp giáo dục & đào tạo huyện nhà trong 5 năm đến; phấn đấu có 100% trường học do cấp huyện quản lí đạt chuẩn quốc gia, đến 2025 có 35% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và hiệu quả.
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn trên địa bàn huyện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần đưa công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn vào chương trình công tác hằng năm, đề ra chỉ tiêu phấn đấu và thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hằng năm, phân công cán bộ, đảng viên theo dõi việc thực hiện công tác này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đối với việc thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghịquyết đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của Trung ương, của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền,cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và toàn xã hội đối với đổi mới giáo dục nói chung và công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, chú trọng công tác phát triển Đảng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành.Huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường theo hướng chuẩn hóa gắn với công tác xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác xã hội hoá trong phổ cập giáo dục - xóa mù chữ qua việc huy động các nguồn lực trong xã hội; tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi phổ cập đến trường, đóng góp nhân lực, vật lực, trí lực cho công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ./.