Thăng Bình hiện có 37.556 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 21,5% dân số, trẻ em dưới 6 tuổi là 11.858 trẻ, chiếm 6,81% dân số. Xác định công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò trong đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến trẻ em, tham gia có hiệu quả vào hoạt động bảo, vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đồng thời tuyên truyền, vận động thành viên trong gia đình về kiến thức phòng tránh tai nạn, thương tích, phòng, chống xâm hại, bạo hành, xây dựng cộng đồng an toàn.
Để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, UBMTTQVN huyện đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức thành viên, đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện có hiệu quả trách nhiệm trong việc kêu gọi cộng đồng chia sẻ, giúp đỡ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Huyện đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em như tìm hiểu về “Quyền và bổn phận của trẻ em”, sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn, Đội triển khai thực hiện chương trình “Rèn luyện phụ trách”, “Rèn luyện đội viên”, “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,... Ngoài ra, Huyện đoàn cũng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chăm lo các đối tượng thiếu nhi khó khăn trên địa bàn thông qua hoạt động trong Tháng Hành động vì trẻ em hàng năm, tổ chức chương trình “Đêm hội trăng Rằm” nhân tết Trung thu, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán... Những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần giáo dục cho trẻ em tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và huy động nguồn tài trợ từ các đơn vị, nhà hảo tâm.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, truyền thông vận động xã hội tham gia thực hiện quyền của trẻ em nhằm phát huy vai trò người bà, người mẹ trong giáo dục, chăm sóc con cháu; xây dựng 9 mô hình “An toàn cho mẹ và con” và duy trì các câu lạc bộ nuôi con tốt dạy con ngoan tại cộng đồng theo nhóm đối tượng; giúp các ông bố, bà mẹ có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con tốt, trẻ vị thành niên được tiếp cận kiến thức với sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống... Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện.
Công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cả 03 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức và kỹ năng, năng lực về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ nòng cốt, phụ huynh và chính bản thân các em. Hàng năm, UBND tỉnh, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua hệ thống thông tin đại chúng, mạng lưới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng nhiều hình thức. Luật Trẻ em đã được phổ biến rộng rãi đến các cấp, ngành, đoàn thể, đến người dân và trẻ em để đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, quyền, nghĩa vụ của trẻ em.

Huyện đoàn Thăng Bình tổ chức Hội thi truyền thông ý tưởng
phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em
Để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên địa bàn huyện, giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn hoặc tử vong do tai nạn, thương tích và phòng chống xâm hại trẻ em theo chủ đề tháng hành động trẻ em năm 2021, UBND huyện Thăng Bình đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em gửi các ngành, đoàn thể, địa phương yêu cầu:
Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Công văn số 2989/UBND-KGVX ngày 02/6/2020 của UBND tỉnh về tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hoạt động Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em ở các cấp, các ngành; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đặc biệt là khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Tăng cường rà soát các khu vực hay xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ; bố trí rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, sông, suối, bãi tắm, khu vực nước sâu nguy hiểm…
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các hội đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt chú trọng vào nội dung phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; vận động các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em bị tai nạn, thương tích, bị xâm hại, bạo lực.
Công an huyện, các cơ quan, đơn vị có liên quan; UBND các xã, thị trấn tiếp nhận, giải quyết kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ việc xâm hại trẻ em; thực hiện quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại theo đúng quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ; thực hiện tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh kịp thời cho trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước và trẻ em bị xâm hại.
Chăm lo cho thế hệ tương lai là trách nhiệm của cả cộng đồng, do vậy, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành để trẻ em phát triển toàn diện, khỏe mạnh, an toàn.