Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát huy quyền dân chủ và trách nhiệm của cử tri

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 19:45 | 12/05/2021 Lượt xem: 5040

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày chủ nhật 23/5/2021 là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình. Vì vậy, việc chọn đúng, bầu đủ số lượng theo quy định những người đảm bảo tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu quan trọng và có ý nghĩa chính trị to lớn, đồng thời đó là trách nhiệm của mỗi cử tri. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, ngoài công tác tổ chức của các cơ quan nhà nước thì việc tham gia thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm bầu cử của công dân là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Điều này đã được Bác Hồ khẳng định: “Đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.

Đến nay, qua các bước trong công tác bầu cử ở huyện Thăng Bình đã triển khai cho thấy đảm bảo đúng quy định, hướng dẫn, phát huy dân chủ, trách nhiệm của cử tri. Huyện Thăng Bình có 10 đơn vị bầu cử HĐND huyện. Sau hội nghị hiệp thương lần 3, Ủy ban Bầu cử huyện Thăng Bình chốt danh sách chính thức 58 người đủ điều kiện ứng cử để bầu 35 đại biểu HĐND huyện Thăng Bình khóa XII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hiện địa phương đang tích cực chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quá trình cử tri được lấy ý kiến đối với từng ứng cử viên, được bày tỏ mong muốn khi tiếp xúc cử tri, đến khi cầm lá phiếu đi bầu thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Kỳ bầu cử lần này, số đại biểu HĐND các cấp giảm so với kỳ trước nên nhân sự cần lựa chọn được người thực sự tiêu biểu, nhiệt huyết, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, không để lọt người không đủ tiêu chuẩn. Một trong những yếu tố cần đặc biệt nhấn mạnh là phát huy dân chủ của cử tri tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, khu dân cư khi lấy ý kiến về người ứng cử. Điểm mới là người được giới thiệu ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú thì ngay từ khâu sàng lọc đã không đưa vào danh sách hiệp thương. Vì vậy, cùng với thực hiện quyền làm chủ, cử tri cần nêu cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân trong tham gia vào quá trình bầu cử, lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước.

Vì vậy, tiêu chí “trách nhiệm trước Nhân dân” là tiêu chuẩn cốt lõi để mỗi cử tri xem xét, cân nhắc chọn đứng người đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Việc lựa chọn các đại biểu chính thức trong số các ứng cử viên sẽ trở nên khó khăn hơn vì hầu hết họ đều có trình độ, năng lực và uy tín xã hội cao. Việc này đòi hỏi cử tri cần hiểu rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Nghiên cứu nắm vững quy trình, cách thức ứng cử, đề cử, bầu cử, các nguyên tắc bầu cử, từ đó, có sự xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những ứng cử viên thật sự tiêu biểu, có kiến thức, năng lực phản ánh được ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân với cơ quan dân cử. Kiên quyết “không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”.

Công tác tuyên truyền trực quan bầu cử được các địa phương chú trọng triển khai

Mặt khác, mỗi cử tri cũng cần phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong việc bầu đủ số lượng đại biểu theo quy định, nhằm đảm bảo cho ý chí, tâm tư nguyện vọng của mình được thực hiện một cách tốt nhất. Mỗi cử tri cần suy nghĩ thấu đáo, sử dụng lá phiếu một cách tốt nhất, chọn ra những người có đức, có tài để bầu. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của một công dân đối với đất nước. Tuân thủ theo nội quy khu vực bỏ phiếu, ghi nhớ hướng dẫn của Tổ bầu cử, tránh sai sót khi bầu. Khắc phục các hiện tượng qua loa, đại khái, bầu cho qua chuyện, không xem xét kỹ lưỡng trước khi bầu. Việc chọn đúng, bầu đủ số lượng của cử tri là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của cuộc bầu cử và chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong những năm tiếp theo.

Chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, nên mỗi cử tri đi bầu cũng với tinh thần đó, chấp hành nghiêm chỉnh Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; các quy định, hướng dẫn của Nhà nước và chính quyền các cấp, của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, tổ bầu cử nhất là chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong bầu cử… Thực hiện tốt nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là chúng ta đã thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mỗi cử tri.

Có thể khẳng định việc chọn đúng, bầu đủ có vai trò hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào việc cụ thể hóa khát vọng phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải thể hiện tích cực quyền và nghĩa vụ công dân của mình trong bầu cử. Có như vậy, mới góp phần làm cho ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân và mỗi lá phiếu của cử tri đều mang sứ mệnh cao cả là “viên gạch hồng” góp phần xây dựng đất nước. 

Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031264566