Tại vùng quê bãi ngang ven biển Bình Minh, huyện Thăng Bình, nơi đa số người dân theo làm nghề biển; vươn khơi, bám biển từ lâu đã trở thành cái nghề chính nuôi sống người dân nơi đây. Nhưng còn nhớ, cũng chính nơi đây, vào năm 2006, cả vùng quê yên ả này dường như bị phủ trắng màu khăn tang, cơn bão Chanchu đã cướp đi của riêng địa phương này 87 ngư dân khoẻ mạnh, những trụ cột chính của gia đình, để lại nơi đây một nỗi đau không thể nào xoá lấp nỗi.
Thời gian qua đi, vùng quê ấy dần phục hồi và đi vào phát triển, nỗi đau được giảm đi phần nào khi những thế hệ con em quê biển Bình Minh ngày ấy, với sự giúp đỡ của chính quyền và xã hội, đã được học tập, lớn lên và có thể kiếm được việc làm nơi chính vùng quê ngày nào. Bình Minh hiện nay được định hướng xây dựng đô thị, nằm trong vùng động lực phát triển Đông Nam của tỉnh Quảng Nam và động lực của vùng Đông Thăng Bình, nhiều dự án lớn được đầu tư và đi vào hoạt động, hứa hẹn một ngày mai tương sáng hơn.
Tuy nhiên, giữa những ước hẹn ngày mai tươi sáng đó, nơi đây vẫn còn có nhiều đứa trẻ bất hạnh, không may mắn được lành lặn và dẫu trên địa bàn xã vẫn có những ngôi trường với đủ cấp học từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, nhưng những đứa trẻ này vẫn không thể ngày ngày cắp sách đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa, đâu đó đối với gia đình các em còn là nỗi lo cho tương lai các em không định rõ về đâu. Các em là những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để đến lớp.
Thấu hiểu và đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh đó, cũng bởi tình yêu và trách nhiệm với đất và người nơi đơn vị đóng quân. Các anh, những chiến sĩ đồn biên phòng Bình Minh, những người chiến sĩ cụ Hồ trong thời đại mới, những người không phải là con em địa phương nơi đây, đã chọn cho mình một cách làm mới để giúp đỡ các em bất hạnh ấy, mở lớp học đặc biệt: “Lớp học tình thương”. Mô hình “Lớp học tình thương” ra đời vào tháng 11/2018, đây là mô hình lớp học miễn phí do Đồn Biên phòng Bình Minh phối hợp với Hội LHPN xã Bình Minh thực hiện, là tâm huyết những người chị, người mẹ là cán bộ hội Phụ nữ xã và tấm lòng, trách nhiệm của những người chiến sĩ biên phòng nơi đây.
Người chiến sĩ biên phòng vừa dạy chữ, vừa xoa bóp tay để các em đỡ mỏi
Ban đầu lớp học có 08 em, là những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng, tuy là lớp mở lòng nhưng bên cạnh các em 12, 14 tuổi còn có em đã tròn 25 tuổi. Ngay từ buổi học đầu tiên, người lính biên phòng, người cán bộ hội phụ nữ chính là người thầy đầu tiên hướng các em đến với các con chữ. Bản thân các em bị khuyết tật, thiểu năng nên bên cạnh một số em sáng dạ, việc học con chữ đối với đa số các em càng khó khăn hơn gấp bội so với những đứa trẻ bình thường khác. Các anh, các chị phải kiên nhẫn dạy tiếp cận dần dần từng con chữ, từng cách đánh vần… và chương trình học vì vậy cứ kéo dài, kéo dài theo khả năng nhận thức của các em. Tuy vậy các anh, chị vẫn lập thời khoá biểu cho lớp học, cái thời khoá biểu có thể thay đổi theo khả năng và tiến độ của các em, cái thời khoá biểu ấy dường như là động lực để các anh chị cố gắng truyền đạt được tốt hơn, nhiều hơn những con chữ cho các em.
Một buổi học của Lớp học Tình thương do Chị Đặng Thị Mỹ Ly
– CT Hội LHPN Bình Minh đứng lớp.
Không được đến trường như những đứa trẻ khác, nhưng đều đặn mỗi tuần 02 buổi, những đứa trẻ không may mắn ấy cũng có một lớp học cho riêng mình, tại một căn phòng nhỏ được Đồn Biên phòng bố trí làm lớp học, cứ mỗi buổi tối đến, tiếng những đứa trẻ, dù không còn nhỏ ê a bắt đầu học đánh vần từng con chữ lại vang lên trong Đồn.
Các em học sinh đặc biệt vui vẻ bên nhau trong buổi sinh hoạt được tổ chức tại UBND xã Bình Minh
Cùng với các cô giáo là các chị cán bộ hội phụ nữ địa phương, các anh biết rõ tính nết của từng đứa trẻ trong lớp học, biết rõ hoàn cảnh gia đình của từng em, cứ thế bên cạnh việc dạy chữ, các anh, các chị lại lồng ghép dạy các kỹ năng sống cơ bản cho các em, dạy các em múa hát, sinh hoạt tập thể, dần dần họ trở thành các giáo viên đa môn học lúc nào không hay biết. Những bài hát thiếu nhi vang lên trong lớp học gồm những đứa trẻ không cùng độ tuổi, có em trên 20 như một bản hoà ca đẹp trong đêm của Đồn biên phòng. Cứ thế, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các mạnh thường quân hỗ trợ cho lớp học, những dụng cụ, trang bị học tập của lớp học ngày càng được trang bị đầy đủ hơn, mỗi dịp Quốc tế thiếu nhi, tết trung thu về hay tết cổ truyền của dân tộc các em được sinh hoạt vui chơi và đón nhận những phần quà ý nghĩa.

Dù không có Lễ tốt nghiệp, các em cũng được dự buổi tổng kết năm
và nhận phần thưởng cuối năm
Cứ thế, lớp học dần lan toả và là ngôi trường thân quen mà những gia đình có con em gặp khó khăn không thể đến lớp hướng về; cuối năm 2020 lớp học đón thêm 02 em của các xã lân cận Bình Đào, Bình Hải tham gia theo học, và với mục đích cao cả của lớp học, các em được các thầy, các cô nơi đây dang tay đón nhận, dìu dắt, trang bị con chữ để ngày mai các em có thể bớt khổ hơn.
Họ - những người chiến sĩ biên phòng, những người cán bộ hội phụ nữ, không được đào tạo chuyên ngành nhà giáo, không qua bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, nhưng họ mang trên mình xứ mệnh của người truyền con chữ, họ chính là những người “giáo viên nhân dân”. Những con chữ và những kỹ năng sống mà họ trang bị cho các em hôm nay sẽ là hành trang để các em bước vào cuộc sống ngày mai, một ngày mai không tối tăm, mù mịt giữa vùng quê Bình Minh đang ngày càng rực sáng với những bóng đèn đô thị trong tương lai.
Những mong bước chân các em sẽ đủ mạnh mẽ để bước đến tương lai
Mô hình Lớp học tình thương là một trong những mô hình tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Huyện uỷ Thăng Bình tổ chức. Thiết nghĩ đây là sự ghi nhận và lan toả kịp thời những đóng góp thầm lặng của những người chiến sĩ biên phòng và những người mẹ, người chị là cán bộ phụ nữ.
Cảm ơn họ, những người giáo viên nhân dân, những người mà với việc làm của mình, họ luôn cho là việc làm rất nhỏ; nhưng hơn hết toát lên bên trong nó là cả một tấm lòng, một nhân cách, nuôi dưỡng một tương lai, họ là sự kết hợp giữa tình quân với dân; là trách nhiệm của người mẹ, người chị và người lính nơi vùng biên cương biển đảo. Tôi tin tưởng rằng, Bình Minh và những xã vùng biên giới biển của đất nước trên địa bàn huyện, nơi có đồn Biên phòng Bình Minh đóng chân sẽ vẫn vững vàng trước mọi sóng gió, giữ vững bình yên cho quê hương và ngày một phát triển đi lên, bởi nơi đó luôn có một trụ cột vững chắc – Nơi tình Quân - Dân ấm mãi.