Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, huyện Thăng Bình đã tổ chức học tập, quán triệt trong các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở và đến đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội của huyện, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thành lập Ban chỉ đạo về ATTP huyện, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện và ban hành văn bản chỉ đạo, quản lý về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện. Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung; xây dựng các điểm giết mổ gia súc tập trung; đầu tư vào các khu nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai với những hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử Đảng bộ huyện; phổ biến, tuyên truyền; lồng ghép tại các buổi sinh hoạt chi bộ cơ sở hay thông qua các hình ảnh trực quan sinh động bằng băng rôn, khẩu hiệu, tời rơi... Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các trường học, bếp ăn tập thể các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, huyện Thăng Bình cũng quan tâm phát động phong trào toàn dân thực hiện tốt công tác ATTP lồng ghép với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn. UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn, khuyến khích sản xuất nông sản, thực phẩm có chất lượng đảm bảo ATTP, trong đó, chú trọng khâu trồng rau sạch, trại chăn nuôi tập trung để sản xuất đạt chất lượng cao đảm bảo các yêu cầu ATTP. Xử lý nghiêm khắc, kịp thời các vi phạm ATTP, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo ATTP, tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức ATTP cho nhân dân và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn phát triển ngày càng nhiều và đa dạng. Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 2.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Để đảm bảo ATTP phục vụ nhu cầu sức khoẻ của người dân, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được thực hiện thường xuyên. Hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra bảo đảm ATTP trên địa bàn huyện, định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành về ATTP trong các dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm, Tết Trung thu. Trong 10 năm qua, huyện đã kiểm tra 1.296 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Công an huyện, Đội Quản lý thị trường huyện phối hợp cùng các địa phương tăng cường lực lượng và tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc sản xuất, lưu thông, kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống không an toàn, không rõ nguồn gốc. Trung tâm Y tế huyện tập trung tuyên truyền về vai trò của vệ sinh thực phẩm trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội, nêu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người dân trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATTP cho các cá nhân và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về đảm bảo ATTP của cán bộ, đảng viên, người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm được nâng lên.

Thực phẩm sạch, đảm bảo ATTP đang được người tiêu dùng ưa chuộng
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý và người sản xuất kinh doanh thực phẩm còn chủ quan nên vẫn còn vi phạm các quy định về ATTP. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn chạy theo lợi nhuận xem nhẹ quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thị trường lưu thông, phân phối, vẫn còn những sản phẩm tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm, thực phẩm chưa đúng quy chế về bao gói, nhãn mác, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP còn hạn chế. Năng lực của cán bộ kiêm nhiệm ATTP còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý sau thanh tra có nhiều lúc thiếu kiên quyết làm hạn chế hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP …
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh ATTP trên địa bàn trong thời gian tới, huyện Thăng Bình sẽ mở rộng việc liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đảm bảo sinh ATTP; tăng cường tổ giám sát cộng đồng để phát hiện kịp thời, xử lý các sai phạm về sinh ATTP; thường xuyên tổ chức kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ đầu mối công tác quản lý ATTP; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh ăn uống, các bếp ăn bán trú trên địa bàn; duy trì công tác rà soát, quản lý các cơ sở thực phẩm trên địa bàn, quản lý chặt chẽ các bệnh lây truyền qua thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc tập thể trên địa bàn; tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý ATTP…