Để thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian qua, Huyện uỷ, UBND huyện Thăng Bình đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, gắn nội dung bình đẳng giới trong triển khai các nội dung về công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, rà soát, thống kê các vụ bạo lực gia đình, xây dựng và triển khai các kế hoạch về công tác gia đình. Tuyên truyền, vận động bà con nhân dân xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng các mô hình điểm về thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã, thị trấn. Chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và thực hiện tốt 5 nội dung, 7 phong trào của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức tập huấn về công tác gia đình cho cán bộ xã, phường, thị trấn (trong đó có nội dung Bình đẳng giới); xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020. Huyện đã phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tổ chức tọa đàm về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng cho các đồng chí Trưởng thôn, khu phố của 22 xã, thị trấn.
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em… từ đó tạo bước chuyển biến mới về nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ được quan tâm, tỷ lệ cán bộ nữ dược quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu tham gia cấp ủy, các chức danh cán bộ, công chức quản lý, lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị tăng lên đáng kể, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Vị thế việc làm của lao động nữ có sự thay đổi tích cực. Tổng số lao động nữ được tạo việc làm mới trong 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động chiếm hơn 50%. Tỷ lệ lao động nữ ở các vùng nông thôn có nhu cầu vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp 31/125, tỷ lệ 24,8%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 19%.
Gắn việc thực hiện bình đẳng giới với phong trào xây dựng Gia đình văn hoá đã thu hút sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân. Các gia đình văn hóa là hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh nơi công cộng... 100% số hộ gia đình văn hóa không vi phạm pháp luật, tích cực bài trừ hủ tục lạc hậu, thực hiện tốt bình đẳng giới, không có người mắc các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao ý thức trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương nơi cư trú. Qua triển khai thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Đến năm 2019, toàn huyện có 43.616/56.686 hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH đạt tỷ lệ 87%.

Các gia đình văn hoá tiêu biểu được tuyên dương khen thưởng
Để nâng cao hiệu quả công tác gia đình, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá gắn với thực hiện bình đẳng giới, trong thời gian đến, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, về công tác bình đẳng giới để đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa bình đẳng giới với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Tập trung chỉ đạo lồng ghép giới trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, đảm bảo từng bước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về thực hiện pháp luật bình đẳng giới; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bình đẳng giới. Ưu tiên bố trí ngân sách cho việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; đồng thời huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các lĩnh vực quy định của Luật. Các ngành, các cấp, tổ chức chính trị-xã hội của huyện cần đưa chỉ tiêu thực hiện công tác bình đẳng giới vào nội dung thi đua để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân tại các cơ quan, đơn vị…