Kết quả đạt được
Bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào bao gồm 5 nội dung là đoàn kết giúp nhau “Xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Song song với đó là 7 phong trào, gồm xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.Trải qua 20 năm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Theo đó, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh từng bước được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng về cơ sở được tổ chức, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cũng ngày càng phát huy hiệu quả, để trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa của người dân. Đặc biệt, quá trình triển khai phong trào, nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp, trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Cũng từ phong trào này, nhiều gương điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực, đã được trỗi dậy và tạo được sức ảnh hưởng tích cực và sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ... Từ đó, tạo động lực để khơi dậy, phát huy tài năng, trí tuệ của các cá nhân, tập thể trong học tập, lao động sản xuất ở các cơ quan, đơn vị, làng, xóm. Đồng thời, tạo ra nền tảng tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...
Trong rất nhiều nội dung của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thì phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, khu phố văn hóa là những nội dung trọng tâm nhất. Theo kết quả thống kê, nếu như vào năm 2000 toàn huyện có 10.424/13.330 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 78,2%, đến cuối năm 2019, có 43.616/56.686 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 87%. Nhiều gia đình 20 năm liên tục đạt danh hiệu GĐVH và trở thành các gia đình mẫu mực như gia đình ông Trần Sô, tổ 4, thôn An Thái, xã Bình An; gia đình ông Nguyễn Trường Kỳ, thôn Lý Trường, xã Bình Phú; gia đình ông Phạm Ngọc Long, thôn Bình Trúc, xã Bình Sa;… Con số này đã phản ánh sức lan tỏa rộng khắp của phong trào đến mọi người, mọi nhà; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và từng hộ gia đình trong xây dựng “Gia đình văn hóa”; khẳng định vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội. Có thể nói, các gia đình văn hóa tiêu biểu là những hạt nhân trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là những nhân tố tích cực và quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trước các tác động của mặt trái cơ chế thị trường.
(Ảnh: Liên hoan nghệ thuật quần chúng thôn, tổ dân phố văn hóa được huyện Thăng Bình được tổ chức 5 năm một lần)
Với vai trò hạt nhân của mình, việc thực hiệu hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cũng chính là cơ sở để triển khai các phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nếu như năm 2000 toàn huyện có 17/103 thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ 16,5%; đến năm 2019 có 93/106 thôn, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ 87,7%; nhiều thôn, khu phố văn hóa đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa nhiều năm liền, tiêu biểu như: thôn Tú Trà, thôn Mỹ Trà (xã Bình Chánh), thôn Sơn Cẩm Nga (xã Bình Lãnh) đạt 12 năm liên tục, thôn Lạc Câu (xã Bình Dương), thôn Long Hội (xã Bình Chánh) đạt 11 năm liên tục, Khu phố 2 (TT Hà Lam), thôn Lý Trường (xã Bình Phú) đạt 10 năm liên tục, thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc) đạt 09 năm liên tục…Cùng với đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2019 toàn huyện có 13 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trong đó có 02 xã đạt 03 năm liên tục là Bình Phú và Bình Định Nam, 04 xã đạt 2 năm liên tục là Bình Giang, Bình Chánh, Bình Quý, Bình An và 07 xã được công nhận lần đầu. Việc xây dựng thị trấn Hà Lam đạt chuẩn văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện; phong trào xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế ở địa phương.
Cũng theo thống kê, đến nay toàn huyện có trên 37% người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Hàng năm có trên 10 giải thể thao tổ chức ở huyện, gần 100 giải thể thao tổ chức ở các xã, thị trấn, thôn, khu phố thu hút hàng vạn người tham gia. Các thiết chế thể thao ở cơ sở cũng được các địa phương quan tâm xây dựng, hiện tại toàn huyện có 18 sân bóng đá đủ tiêu chuẩn, 13 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 110 sân bóng chuyền (bê tông), 28 sân cầu lông (bê tông) phục vụ trong việc tập luyện và tổ chức thi đấu tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe cho Nhân dân. Ngoài ra, phong trào xây dựng người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Đây là phong trào đậm tính nhân văn và tính xã hội sâu sắc. Bởi lẽ thông qua các hoạt động thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu, sáng tạo... tại các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đều xuất hiện những tấm gương tiêu biểu “Người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến có khả năng nêu gương, làm gương đầy thuyết phục và hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả phong trào!
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có trên 90% hộ gia đình đạt GĐVH, trên 95% số thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hoá; có trên 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; trên 80% “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, thị trấn Hà Lam “Đạt chuẩn văn minh đô thị”.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên; thực hiện tố Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) và Chương trình hành động số 38-CTr/HU của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết TW9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, sinh động, vận động trực tiếp qua các cuộc hội họp đoàn thể, lễ phát động xây dựng các phong trào văn hóa,... đưa phong trào phát triển đi vào chiều sâu, có chất lượng. Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách để thực hiện phong trào, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực đóng góp xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở với sự hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, ổn định về tổ chức và hoạt động. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nhằm kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi các loại văn hóa phẩm phản động, độc hại, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn.
Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ. Phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự điều hành của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; tin tưởng rằng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa sẽ thu được những kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.