Phát triển rộng khắp
Với mục tiêu tạo sự chuyển biến về quy mô và chất lượng TDTT, nâng cao sức khỏe của người dân, thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TDTT và để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích, tác dụng của TDTT đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình. Từ đó, số người tập luyện TDTT thường xuyên hằng năm đều tăng, tính đến nay, số người thường xuyên luyện tập TDTT là 32,39%, số gia đình thường xuyên tập luyện TDTT là 25,02%. Phong trào TDTT quần chúng phát triển đa dạng với các loại hình tập luyện, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia như thanh, thiếu niên chơi bóng đá, bóng chuyền, việt dã; người trung niên đi bộ, chạy thể dục buổi sáng, chơi cầu lông, bóng bàn; người cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi cờ tướng… Việc đầu tư cơ sở vật chất và phát triển phong trào TDTT đã được chú trọng. Đến nay huyện có 01 Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, 22 Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, thị trấn, 01 sân vận động huyện, 01 nhà thi đấu cầu lông, 106/106 thôn, khu phố có nhà văn hóa với diện tích xây dựng trung bình từ 300m2 trở lên. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới như bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình… với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng, xã đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT như: sân cầu lông, sân bóng đá… phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân.
Để có cơ sở định hướng phát triển phong trào có tính vững chắc và lâu dài, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thanh – Truyền hình huyện xác định các môn thể thao trọng điểm và có thế mạnh của huyện như: Bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đua thuyền, bóng đá nam, võ Karatedo, võ Taewondo, võ thuật cổ truyền,… Bên cạnh đó phát triển một số môn thể thao mới như: bóng đá mini, cầu lông, bida... Đến năm 2020 có 15 câu lạc bộ ở nhiều lĩnh vực như: cầu lông, thể dục dưỡng sinh, câu cá, võ thuật,... Hằng năm huyện đã cung cấp nhiều vận động viên thể thao thành tích cao cho tỉnh và có đều ở 3 tuyến (đội năng khiếu, đội trẻ, đội tuyển); đang tham gia tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp ở các bộ môn của tỉnh như võ thuật, bóng đá... Bên cạnh công tác tổ chức thi đấu TDTT các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể huyện cũng đã tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động thi đấu TDTT nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể thao của các đơn vị, địa phương. Từ đó đã tạo ra môi trường hoạt động thể thao quần chúng sôi động, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người lao động, góp phần tích cực thúc đẩy phong trào TDTT phát triển rộng khắp trong các đối tượng trên địa bàn huyện.

(Các giải thể thao do huyện tổ chức đều thu hút đông đảo vận động viên ở các địa phương và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện tham gia)
Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT phát triển, hằng năm, huyện tổ chức từ 5 đến 6 giải thể thao cấp huyện với nhiều môn thi đấu như bóng đá, bóng chuyền, bơi... cho đầy đủ các lứa tuổi và thành phần tham gia; mỗi năm ngành tổ chức được 70 giải cấp xã, 7 giải cấp huyện, 10 giải tham gia cấp tỉnh và trên 10 giải do các CLB, các ngành độc lập tổ chức. Từ đó, chất lượng các giải thể thao cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng thường xuyên tổ chức các giải thể thao nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, qua đó đã phát động mạnh mẽ phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân. Ở nhiều địa phương, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã coi trọng, xác định TDTT là một trong những hình thức, biện pháp hữu hiệu để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hoá mới, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất trong trường học theo đúng quy định. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và luyện tập TDTT. Hiện tại, toàn huyện có 29 trường Tiểu học, 21 trường THCS, 05 Trường THPT đều được đầu tư xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Định kỳ nhà trường tổ chức giải thể thao học sinh; Hội khỏe Phù Đổng; chương trình phòng, chống đuối nước được đưa vào hoạt động ngoại khóa…
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào
Bên cạnh những kết quả đạt được, trang thiết bị để phục vụ tập luyện TDTT của huyện vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT hiệu quả chưa cao... Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của TDTT; nâng cao chất lượng TDTT quần chúng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi đối tượng tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tăng cường rèn luyện TDTT để phòng bệnh và chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện lồng ghép nhiệm vụ này vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Duy trì và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh ở từng thôn, khu phố. Nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học; gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị TDTT trường học phục vụ cho hoạt động ngoại khóa; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch đất cho thể thao trường học. Cùng với đó, địa phương quan tâm bố trí các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, nhằm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới...