Chi tiết tin

A+ | A | A-

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 17:59 | 05/08/2020 Lượt xem: 10842

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, những năm qua, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, tạo sự chuyển biến, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của của địa phương.

Những kết quả bước đầu

Tiếp thu tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Trong đó đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp; phát huy tính dân chủ trong xã hội. Đồng thời, chỉ đạo đầu tư cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, đạo đức nghề nghiệp và bồi dưỡng nhân tài; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.


 (Lễ hội Cầu ngư cùng loại hình hát Bả trạo là nét văn hóa độc đáo của cư dân ven biển huyện Thăng Bình)

Công tác xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được quan tâm. Đến nay toàn huyện có 106/106 thôn, khu phố có nhà văn hóa được xây dựng, nhiều nhà văn hóa thôn, khu phố phát huy hiệu quả cao. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 32%, các thiết chế thể thao ở cơ sở cũng được các địa phương quan tâm xây dựng, hiện tại toàn huyện có 14 sân bóng đá đủ tiêu chuẩn, 13 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 110 sân bóng chuyền (bê tông), 28 sân cầu lông (bê tông) phục vụ trong việc tập luyện và tổ chức thi đấu tại địa phương.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được quan tâm, trọng tâm là thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Việc đạt các danh hiệu văn hóa như gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa, tộc họ văn hóa, cơ quan văn hóa tăng dần theo từng năm, từ đó đã tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; bộ mặt nông thôn, đô thị từng bước đổi mới, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh góp phần đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống văn hóa, con người Thăng Bình, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh.

Các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm bảo tồn và từng bước phát huy các giá trị; trong 05 năm qua có 24/33 di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo, chiếm tỷ lệ 72,7% so với tổng số di tích. Hiện nay toàn huyện có 01 di cấp quốc gia đặc biệt (Phật viện Đồng Dương), 01 di tích cấp quốc gia (Di tích Địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam ­ Chợ Được), 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được và hát Bả trạo) và 31 di tích cấp tỉnh. Nhiều công trình về văn hóa được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn như: Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, Lễ hội Cầu ngư, hô hát bài chòi,…

Công tác phát triển công nghiệp văn hóa được chú trọng. Huyện đã tập trung chỉ đạo mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá các sản phẩm văn hóa như các xuất bản phẩm, các tác phẩm nhiếp ảnh, băng đĩa, các buổi biểu diễn văn hóa-nghệ thuật, các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu,… nhằm kích thích nhu cầu của công chúng và dần hình thành thói quen tiếp cận thị trường văn hóa.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, vẫn còn những hạn chế, bất cập, như: Những thành tựu trong lĩnh vực xây dựng văn hóa và phát triển con người vẫn chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, thể dục-thể thao còn thiếu, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Công tác quy hoạch đất đai cho sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục-thể thao còn chậm, mức đầu tư kinh phí cho sự nghiệp văn hóa còn thấp, công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế. Phát triển văn học nghệ thuật trên địa bàn huyện còn hạn chế, các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về địa phương còn ít, chủ yếu là các tác phẩm âm nhạc, nhiều tác phẩm chất lượng chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn thiếu, trình độ năng lực còn hạn chế, nhất là cán bộ cơ sở kiêm nhiệm nhiều công việc, thiếu tập trung cho lĩnh vực chuyên môn nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp văn hóa.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong thời gian tới, huyện Thăng Bình đề ra và phấn đấu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị; kiên quyết chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thái độ cửa quyền, hách dịch, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của người dân. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, bảo đảm lợi ích đối với người lao động, có trách nhiệm đối với sự phát triển cộng đồng. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với chương trình xây dựng nông thôn mới. Chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Quan tâm đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển các loại hình văn học nghệ thuật dân gian, chú trọng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, thành lập và nâng cao chất lượng các của các câu lạc bộ văn học nghệ thuật, thể dục thể thao. Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài đấu tranh cách mạng, kháng chiến, lịch sử và sự nghiệp phát triển của huyện nhà.

Huy động nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa. Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, nhà thi đấu đa năng và thư viện huyện đạt chuẩn theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người dân luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt trên 37%. Xây dựng quảng trường văn hóa tại thị trấn Hà Lam và quảng trường biển tại Khu đô thị Bình Minh. Tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích, lịch sử trên địa bàn huyện. Phối hợp với các ngành cấp trên có kế hoạch khai quật Di tích Quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương nhằm phát huy giá trị văn hóa của di tích, góp phần thu hút phát triển du lịch cho huyện nhà. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực này thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa. Tiếp tục đầu tư phát triển các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống như đá mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu,… để xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ gắn với thị trường văn hóa trong và ngoài nước./.

Tác giả: Minh Quốc

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031322106