Trong những năm qua việc thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” luôn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW gắn chặt với chủ trương xây dựng con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo tinh thần nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Thông báo Kết luận số 213-TB/TW ngày 02/01/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật… Chính sự kết hợp trong quá trình triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện trong công tác phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Xác định công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW là một nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội tập trung đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại như: Thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua hệ thống truyền thanh-truyền hình huyện, các Đài truyền thanh cơ sở, qua việc xây dựng các tin, bài đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện, Trang thông tin điện tử Huyện ủy, thông qua việc tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, hội thi tuyên truyền về phòng chống văn hóa phẩm độc hại; phòng, chống tệ nạn xã hội hay các hình thức tuyên truyền trực quan như: pano, apphich, xe tuyên truyền lưu động…
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại là xây dựng đời sống văn hóa. Vì vậy, trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn huyện luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao lành mạnh, vận động nhân dân loại bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng được quan tâm thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” đã đi vào chiều sâu, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện có 43.616/50.686 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, có 93/106 thôn, khu phố đạt danh hiệu thôn, khu phố văn hóa, 129/145 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, 189/267 tộc đạt danh hiệu tộc văn hóa 70,8%; 13/21 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Đây là nền tảng chống lại sự xâm nhập của văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; từ đó nâng cao ý thức cảnh giác của các thành viên trong gia đình, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
(Ảnh: Ngày Hội sách huyện Thăng Bình năm 2018)
Ngành Giáo dục - Đào tạo huyện đã thực hiện tốt việc lồng ghép một số nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại. Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống vào các môn học cụ thể, gắn công tác giáo dục bài trừ văn hóa phẩm độc hại với tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, tốt đẹp của dân tộc. Các cơ sở Đoàn trong huyện thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn, các buổi nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt chính trị... nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giúp các em có kiến thức và hiểu biết để cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn lôi kéo chống phá của các thế lực thù địch, rèn luyện khả năng tự đề kháng với các sản phẩm văn hóa độc hại. Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn trên toàn huyện xây dựng kế hoạch chuyên đề kết hợp triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới". Qua các phong trào hành động cách mạng của Đoàn đã tạo động lực, định hướng cho thanh niên trong các lĩnh vực phát huy được thế mạnh của mỗi lĩnh vực, cùng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, đó là môi trường để đoàn viên thanh niên rèn luyện, tự giáo dục bản thân hướng đến các giá trị chân-thiện-mĩ cũng như tăng cường kiến thức, kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hóa cho thanh, thiếu nhi.
Công tác vận động văn nghệ sĩ sáng tác, quảng bá các tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật nhằm định hướng thẩm mỹ trong các tầng lớp Nhân dân được quan tâm chú trọng. Đặc biệt, phong trào văn nghệ quần chúng luôn được duy trì và phát triển, nhiều câu lạc bộ được thành lập góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật cổ truyền và thưởng thức văn học, nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân ở cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 18 câu lạc bộ (thơ, dân ca, tuồng, nhiếp ảnh…) được thành lập. Số hội viên của các Câu lạc bộ ngày càng tăng, chất lượng sinh hoạt. Có 33 ca khúc, một số tác phẩm văn học được sáng tác, hàng chục đầu sách được sưu tầm, biên soạn xuất bản về sự kiện và quê hương Thăng Bình. Từ đó, nhằm định hướng thẩm mỹ trong các tầng lớp Nhân dân, phê phán các hành vi tiêu cực, sử dụng và phát tán, truyền bá các văn hóa phẩm độc hại. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức triển lãm, hội thảo, tọa đàm về văn hóa đọc, giao lưu tọa đàm giữa các nhà văn, nhà thơ với độc giả, hội thi thiếu niên tuyên truyền, giới thiệu sách, cuộc thi kể chuyện theo sách trong các trường học… nhân ngày Sách Việt Nam (21/4) hằng năm.
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được thực hiện nghiêm túc. Phòng Văn hóa-thông tin phối hợp với các lực lượng chức năng, các đoàn thể liên quan kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, cơ sở kinh doanh karaoke, hoạt động quãng cáo, dịch vụ Photocoppy, các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn… qua đó, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý các vi phạm góp phần loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại lưu hành trên địa bàn huyện.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại, trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính-xã hội trên địa bàn huyện cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư. Gắn việc thực hiện Chỉ thị với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị trong những năm tới. Thực hiện việc “xây” và “chống” một cách hiệu quả. Đồng thời, xác định công tác đấu tranh chống các văn hóa phẩm độc hại là nhiệm vụ không tách rời trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể chủ động nắm tình hình, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống văn hóa phẩm độc hại. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại nhằm ngăn chặn tác động xấu đến đời sống xã hội. Tổ chức tốt các phong trào thi đua sáng tác, giới thiệu, tìm hiểu các tác phẩm văn học, nghệ thuật có tính thẩm mỹ và gần gũi với đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, loại bỏ kịp thời các văn hóa phẩm độc hại. Ngành giáo dục-Đào tạo và Đoàn Thanh niên cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, gắn công tác giáo dục bài trừ văn hóa phẩm độc hại với tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các phong trào hành động cách mạng của tổ chức Đoàn. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân.
Tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như toàn thể Nhân dân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hành động chống phá của các thế lực thù địch, trước các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật và các văn hóa phẩm độc hại. Nhằm góp phần tích cực trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tạo môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh./.