Trong giai đoạn, từ năm 1960 đến năm 1975, khi nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian nan, ác liệt. Nhân dân miền Bắc là hậu phương lớn, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến miền Nam. Hoà trong tình cảm Bắc-Nam ruột thịt, Thanh- Quảng một nhà, Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn đã đem hết sức mình vì Thăng Bình thân yêu nói riêng, vì miền Nam ruột thịt nói chung, để lại nhiều dấu ấn lịch sử và tình cảm sâu sắc không thể phai mờ. Hàng vạn gia đình ở Đông Sơn đã động viên con em mình lên đường tòng quân vào chiến trường miền Nam giết giặc, trong đó có hàng nghìn cán bộ chiến sĩ đã nhận nhiệm vụ chiến đấu, tham gia vào các đơn vị: Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 89 đặc công, Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, Bệnh xá 78,… Không ít đồng chí đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hy sinh trên mảnh đất Thăng Bình anh hùng. Giữa lúc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, nhưng mọi người mọi nhà, từ các cháu thiếu niên nhi đồng đến các cụ già ở Đông Sơn thân yêu vẫn chắt chiu từng hạt thóc, cân ngô để đóng góp, chia lửa với cách mạng miền Nam, ủng hộ nhân dân Thăng Bình “đánh Mỹ thắng Mỹ”. Trong lúc đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Thăng Bình tập kết, công tác, chữa bệnh ở miền Bắc đã được Đảng bộ, nhân dân Đông Sơn đón tiếp chăm sóc chu đáo, tận tình. Không thể nào kể hết những phong trào, những nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn anh em đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình. Kết thúc các cuộc kháng chiến cứu nước do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, huyện Thăng Bình có trên 10.000 liệt sĩ; 1.974 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 18 tập thể và 24 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó xã Bình Dương được tuyên dương 2 lần anh hùng; nhiều tập thể và cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý khác. Trong những phần thưởng cao quý đó, có sự chi viện giúp đỡ, mà đặc biệt là sự đóng góp hy sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt của cán bộ chiến sỹ tỉnh Thanh Hoá nói chung, huyện Đông Sơn nói riêng.
Những năm đầu sau giải phóng, nhiệm vụ ổn định chính quyền và bảo đảm an ninh xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định xã hội còn mới mẻ, phức tạp; cùng một lúc phải tập trung giải quyết nhiều công việc, vừa phải trấn áp bọn phản cách mạng, vừa xử lý tốt chính sách hòa hợp dân tộc, vừa phải bảo đảm sớm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định và phát triển văn hóa - xã hội,… Trong cuộc chiến đấu mới đầy gay go và phức tạp này, luôn có sự hỗ trợ đầy tình nghĩa của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa nói chung, của Đảng bộ và nhân dân Đông Sơn nói riêng đã tích cực chi viện sức người, kinh nghiệm quản lý cho huyện Thăng Bình kết nghĩa.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã cử hàng chục cán bộ có chuyên môn kỹ thuật vào giúp huyện Thăng Bình xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp. Đặc biệt, năm 1978, khi xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình là một trong 3 xã của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chọn làm thí điểm cải tạo và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đồng chí Thiều Sĩ Quý cùng một số cán bộ là người con của Đông Sơn, Thanh Hóa được cử vào Thăng Bình tham gia hỗ trợ xây dựng Hợp tác xã. Bằng tất cả kinh nghiệm và tấm lòng nhiệt huyết của mình, đồng chí Thiều Sĩ Qúy với cương vị là Chủ nhiệm Hợp tác xã đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng thành công Hợp tác xã nông nghiệp Bình Lãnh – một Hợp tác xã thí điểm đầu tiên của huyện Thăng Bình ra đời. Từ Hợp tác xã Bình lãnh, nhiều địa phương của huyện Thăng Bình đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, tạo tiền đề cho hàng loạt Hợp tác xã nông nghiệp của huyện Thăng Bình lần lượt ra đời, nhờ vậy, chỉ trong 2 năm (1978 – 1979), huyện hoàn thành công tác cải tạo và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp.

( Đồng chí Bí thư huyện Đông Sơn thăm và tặng biểu trưng xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách huyện Thăng Bình vào năm 2015. Ảnh: TC)
Trên lĩnh vực công nghiệp, với sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, xí nghiệp gốm Quảng – Thanh ra đời. Trải qua năm tháng, vượt qua khó khăn, thử thách, xí nghiệp luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua, sản phẩm của xí nghiệp cũng đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, giải quyết được một bộ phận lao động tại chỗ có công ăn, việc làm ổn định, mãi đến bây giờ dấu ấn xí nghiệp gốm Quảng - Thanh vẫn còn in đậm trong mỗi người dân Thăng Bình, Quảng Nam.

( Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn tặng quà cho gia đình chính sách tại huyện Thăng Bình năm 2015. Ảnh: TC)
Cùng với sản xuất là thực hiện mục tiêu trồng người, tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã tăng cường nhiều thầy cô giáo có kinh nghiệm trong giảng dạy vào huyện Thăng Bình để làm nòng cốt trong việc tổ chức, quản lý và giảng dạy tại các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông của huyện, tiêu biểu như: thầy giáo Trịnh Mai Sơn (quê Đông Sơn) – Nguyên Hiệu trưởng các trường PTCS Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương, nguyên cán bộ phòng giáo dục huyện Thăng Bình, giai đoạn 1976 – 1981, cô giáo Tạ Thị Như Ý – một giáo viên trẻ tuổi đôi mươi xung phong vào Thăng Bình tham gia giảng dạy tại trường Bổ túc Văn hóa tập trung huyện Thăng Bình... Nhờ vậy, hệ thống giáo dục của huyện Thăng Bình sớm đi vào nề nếp, ổn định và ý nghĩa sâu xa hơn là các thầy đã góp phần đào tạo ra một thế hệ “vừa hồng, vừa chuyên”, nhiều học sinh được các thầy cô dạy dỗ, tiếp tục đào tạo, rèn luyện đã trở thành những cán bộ quản lý giỏi trên các lĩnh vực, góp phần tham gia xây dựng huyện nhà phát triển.
Có thể nói, trải qua những giai đoạn khó khăn, thăng trầm của lịch sử, Thăng Bình luôn nhận được sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất; luôn nhận được sự sẻ chia của người anh em Đông Sơn kết nghĩa trên các lĩnh vực. Chính sự quan tâm theo dõi, động viên, giúp đỡ kịp thời đó, đã cổ vũ về tinh thần, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn giúp Thăng Bình vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và làm cho mối quan hệ kết nghĩa anh em càng thêm khắng khít, bền chặt.

Nguyên lãnh đạo huyện Thăng Bình dự lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tại huyện Đông Sơn vào năm 2010. Ảnh: TC)
Để tiếp tục vun đắp và thắt chặt tình nghĩa giữa hai huyện, những năm gần đây, lãnh đạo hai huyện đã có những hoạt động cụ thể. Tháng 9/2006, đoàn cán bộ của HU- HĐND- UBND- UBMTTQVN huyện Đông Sơn đã vào thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do cơn bão Chan Chu gây ra. Nhân các ngày lễ kỷ niệm và các sự kiện chính trị, lịch sử, văn hóa của hai địa phương, lãnh đạo hai huyện đã cử nhiều đoàn cán bộ đến thăm hỏi, tham quan, chia vui và chúc mừng.

(Nguyên lãnh đạo huyện Thăng Bình trao quà tình nghĩa cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đông Sơn năm 2014. Ảnh: TC)
Trong những dịp này, Đảng bộ, nhân dân hai huyện đã trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, trao nhiều tặng phẩm kỷ niệm, mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương; hỗ trợ xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, hộ nghèo,... Lãnh đạo hai huyện cũng đã thường xuyên tạo điều kiện cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tiền nhiệm qua các thời kỳ nhiều lần gặp gỡ, giao lưu, ôn lại những kỷ niệm và truyền thống kết nghĩa giữa hai huyện. Ban Chỉ huy Quân sự, Huyện đoàn hai huyện có những hoạt động giao lưu, tiếp lửa truyền thống kết nghĩa anh em.
(Bí thư Huyện ủy Đông Sơn thăm mô hình “ Nước mắm Cửa Khe” tại xã Bình Dươngnăm 2016. Ảnh: Trung Thực)
Để ghi nhận truyền thống kết nghĩa giữa hai huyện Đông Sơn – Thăng Bình trong 60 năm qua và trong thời gian đến, HU-HĐND-UBND-UBMTTQVN hai huyện đã quyết định đặt tên đường mang tên Thăng Bình ở huyện Đông Sơn và đường Đông Sơn ở Thăng Bình; trao tặng những công trình mang nhiều ý nghĩa với giá trị hàng chục tỷ đồng (từ nguồn xã hội hóa).
(Bí thư Huyện ủy Thăng Bình tặng quà cho đoàn cán bộ lão thành huyện Đông Sơn nhân dịp đoàn vào thăm năm 2019. Ảnh: Văn Hà)
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, Đảng bộ, quân dân hai huyện tự hào về truyền thống, phấn khởi trước những thành tựu về mọi mặt, mỗi người dân chúng ta càng nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ trong sự nghiệp đổi mới, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay. Trên nền tảng vững chắc 60 năm kết nghĩa, hơn bao giờ hết tinh thần đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, anh em giữa hai huyện cần phải nâng lên tầm cao mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng quê hương Thăng Bình, Đông Sơn ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp của hai huyện tiếp tục phát huy truyền thống, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng thời, coi trọng tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, đặc biệt, là ý nghĩa qua 60 năm kết nghĩa và nghĩa tình thủy chung của hai địa phương Thăng Bình – Đông Sơn, Quảng Nam – Thanh Hóa; lãnh đạo hai huyện thường xuyên kết nối, thông tin, theo dõi tình hình, trao đổi những kinh nghiệm, đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường giao lưu, học tập, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ, vun đắp tình kết nghĩa thâm giao đi vào chiều sâu và ngày càng phát triển./.