Bình Triều là một xã vùng Đông của huyện Thăng Bình, trong cái nền chung - đất và người Bình Triều còn mang những nét đặc trưng riêng, đã làm nên bản sắc văn hóa của vùng đất này. Con người Bình Triều đã tạo lập nên một truyền thống đấu tranh đầy tự hào, anh dũng, vẻ vang. Truyền thống ấy đã được khẳng định không những qua các di tích văn hóa - lịch sử như: lăng Bà Chợ Được; tượng đài cuộc đấu tranh Hà Lam-Chợ Được... Nơi đây còn biết đến với di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ Rước Cộ Bà Chợ Được. Lễ hội Bà Chợ Được là một tài sản văn hoá phi vật thể quý giá, có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm thức tâm linh của người dân Chợ Được, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng được nhân dân cả nước biết đến.
Lễ hội truyền thống nói chung, lễ hội Bà Chợ Được nói riêng- một nét đẹp văn hóa truyền thống, hướng đích tinh thần con người trở về nguồn cội dân tộc. Lễ hội được lưu truyền một cách trực tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, nên lễ hội trở thành bảo tàng sống, một bách khoa đồ sộ, qua đó giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng ngoan cường, bất khuất của dân tộc, của mảnh đất quê hương đã thấm biết bao máu xương, mồ hôi, nước mắt, trao truyền những đạo lý, thuần phong mỹ tục cao đẹp được đúc kết, có được tự ngàn xưa cho thế hệ hôm nay và cho muôn đời sau. Phong trào "TDĐKXDĐSVH" gắn với bảo tồn lễ hội truyền thống trên địa bàn xã đã được Ban chỉ đạo xã quan tâm từ đó tạo sự cố kết cả cộng đồng xã hội, là sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai; góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hoá tinh thần của địa phương. Đặc trưng của lễ hội Bà Chợ Được là Lễ hội này không có bóng dáng của nạn mê tín dị đoan. Từ Lễ hội Bà Chợ Được thông qua loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian trong cách chưng Cộ không những đã tái hiện lại lịch sử truyền thống, tái hiện lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, tưởng nhớ những vị anh hùng có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước với những nghệ nhân “quần chúng” từ đây được bộc lộ thông qua các bàn cộ. Chính những sinh hoạt cộng đồng này giúp con người gần gũi nhau hơn, hiểu biết lẫn nhau, đôi khi giúp xoa dịu những mâu thuẫn, căng thẳng trong quan hệ hằng ngày, gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn. Ðây chính là biểu hiện giá trị văn hoá của cộng đồng.
Trong thời gian diễn ra lễ hội ngoài phần lễ là các hoạt động như bóng đá, bóng chuyền, đua thuyền, các trò chơi dân gian, đặc biệt là lễ rước cộ đời sống văn hoá được nâng lên ở mức cao hơn so với ngày thường, bởi sau những ngày lao động sản xuất, tất bật với “cơm, áo, gạo, tiền” con người có dịp thư giãn, chia sẻ và thụ hưởng các giá trị của cuộc sống đối với cộng đồng. Nơi đây cái đẹp có cơ hội phát huy, cái xấu sẽ bị cộng đồng đào thải, con người tìm đến đây với mục đích hướng thiện và thanh lọc tâm hồn, tái tạo năng lượng cho cuộc sống.
Có thể nói, thời gian qua phong trào TDĐKXDĐSVH tại Bình Triều đã đạt được nhiều kết quả, tạo cho mỗi người dân có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm được củng cố; niềm tự hào về quê hương, về truyền thống của địa phương được tôn vinh. Điểm rõ nét nhất trong thực hiện phong trào là đã gắn việc thực hiện phong trào với bảo tồn lễ hội truyền thống Bà Chợ Được.

(Ảnh: Các nghệ nhân thôn Phước Ấm (Bình Triều) đang tái hiện hình ảnh lịch sử dân tộc qua bàn cộ)
Để bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống lễ hội Bà Chợ Được gắn với thực hiện phong trào " TDĐKXDĐSVH" trong thời gian đến, Bình Triều sẽ tiếp tục quán triệt và đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương vào cuộc sống của nhân dân với mục tiêu “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội văn hóa ở địa phương, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Quan tâm đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển các loại hình văn học nghệ thuật dân gian, chú trọng giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước thôn, xóm trên cơ sở kế thừa tính tích cực của các luật tục phù hợp và cụ thể hóa các quy định của pháp luật, trong đó khẳng định giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và giữ gìn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc đó đặc biệt trong phong trào "TDĐKXDĐSVH" gắn với bảo tồn lễ hội truyền thống trên địa bàn xã./.