Xuân Kỷ Hợi này, Lăng Bà Chợ Được được trùng tu tôn tạo trang nghiêm và lễ mừng công trân trọng tổ chức được hòa quyện vào sắc xuân thắm tình người tình đất, được kết nối những thể loại văn hóa dân gian từng bừng trẩy hội.
Trên đất này thuở xưa một phong cảnh hữu tình, có một vị nữ họ Nguyễn, tên Của, vốn là con gái nhà khuê các, sinh ngày 25 tháng 02 năm Canh Thân triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 39 (năm 1800) tại phiếm (xứ) Ái Châu, làng Phường Chào (nên còn gọi là Bà Phường Chào), tổng Mỹ Hoà, huyện Diên Phước, nay thuộc thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà mất ngày 19 tháng 11 năm Đinh Sửu (1817). Khi Bà sinh ra có điềm lạ, khói lam mây trắng bồng bềnh che phủ mịt mù một vùng, lớn lên trở thành người đẹp, tính nết hiền từ. Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu được nhiều người.
Ngày 19/11 năm Gia Long thứ 16 (năm 1817) Bà quy tiên, được nhân dân sở tại lập đền thờ. Tuy thác đi, nhưng với lòng thương mến dân lành, Bà thường hiển linh cho thuốc cứu người, trừng trị quan tham hà hiếp dân lành...
Tự Đức thứ 5, năm Nhâm Tý (1852) Bà hiển linh tại làng Phước Ấm thuộc Phước Toản, tổng An Thịnh, phủ Thăng Bình. Trước cảnh “sa thủy hữu tình”, ý định của Bà muốn tụ tập, xây dựng nơi đây thành chợ để mua bán, trao đổi hàng hoá. Bà hoá thành một thiếu nữ xinh đẹp độ chừng 18 tuổi (thập bát Xuân) làm nghề bán nước, đổi trầu, mách bảo dân chúng lập chợ, và lúc đầu có tên là “Phước Ấm thị hà” (chợ Phước Ấm bên sông). Không lâu sau, nơi đây mau chóng trở nên sầm uất, làm ăn phát đạt nên có tên gọi là Chợ Ðược.
Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm lập lăng thờ, hàng ngày hương khói, định ra 2 ngày tế lễ hằng năm là ngày sinh (25-2) và ngày mất (19-11) để cầu an, truy niệm và đệ đơn xin phong sắc. Năm Mậu Tuất (1898) triều đình Huế ban sắc phong “Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”; năm 1924 vua Khải Định lệnh tặng cho Bà phong sắc “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”; năm Đinh Mẹo (1927) vua Bảo Đại gia tặng “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”.
Ngày 31/12/2008 Lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngày 19 tháng 12 năm 2014 Bộ văn hóa thể thao và du lịch quyết định công nhận lễ hội rước cộ bà Chợ Được là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Tưởng nhớ công đức Bà đã sáng lập chợ Được, hằng năm vào ngày mười một tháng Giêng âm lịch (ngày nhận sắc phong đầu tiên), làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà và khoe sắc, người dân khắp nơi về dự xem Cộ và các hoạt động, trò chơi dân gian nên nay thành lệ:
“Hàng năm mười một tháng giêng
Chưng Cộ, hát Bộ, đua thuyền tri ân”.
Lễ hội Bà Chợ Được là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, là nét văn hoá truyền thống đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân Chợ Được, xã Bình Triều nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung, được nhân dân cả nước biết đến. Đây là một trong những lễ hội phản ánh dấu vết tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông ngư nghiệp vùng biển Quảng Nam gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Lễ hội phản ánh nét sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây, thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, đồng thời qua đó thể hiện mong ước bình dị về một cuộc sống an lành, no đủ.
Nét đặc trưng độc đáo trong Lễ hội Bà Chợ Được là lễ rước Cộ. Với nghệ thuật hội họa, tạo hình, nghệ thuật sân khấu, diễn xướng …đậm chất dân gian được vận dụng một cách sáng tạo trong nghệ thuật chưng Cộ đã được các nghệ nhân thể hiện điêu luyện qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng của mình, tạo nên những bàn Cộ mang đậm màu sắc dân gian với những nội dung phản ánh lại các hình ảnh các anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước qua các thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc hoặc những sự tích, cổ tích từ ngàn xưa lưu lại nét văn hoá truyền thống của dân tộc và những thành tựu kinh tế - xã hội của huyện và xã nhà.
Trải qua 167 năm, cán bộ và nhân dân làng Chợ Được Bình Triều luôn phát huy truyền thống, nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, quê hương. Và dưới đây là một số làng điệu dân ca truyền thống được viết trong mùa lễ hội năm 2019:
Các tiểu phẩm dân ca “HƯƠNG SẮC LÀNG XUÂN” được thể hiện qua sáng tác của nghệ nhân dân gian, một người con quê hương Bình Triều Nguyễn Tấn Hòa như:
Điệu hò khoan :
Chim én dệt khung trời xanh thẳm
Hoa mai vàng đang tắm nắng xuân
Khắp nơi nô nức tưng bừng
Chào xuân Kỷ Hợi, vang lừng tiếng ca
Tình xuân trang trải mọi nhà
Ý xuân trong tiếng hát lời ca rộn ràng.
Điệu lý thượng :
Rộn ràng, nhịp nhàng vui hòa nhịp đón xuân
Làng quê ta hân hoan vui mừng mở hội
Tình xuân ơi, hân hoan ta cùng trẩy hội
Rước cộ Bà tưng bừng trong niềm vui mừng Đảng đón xuân.
Lối chuyển hò Quảng :
Xuân lướt nhẹ trên nhành non lá mới
Bạn đời ơi ! vui với trời hồng
Bình Triều Chợ Được mừng công
Công viên văn hóa bên sông đậm đà
Sân, đường, cây cối bồn hoa
Khuôn viên thoáng đẹp tạo ra hiền hòa
Linh thiêng dáng đứng lăng Bà
Di tích lịch sử tỉnh nhà ban trao
Trung tâm văn hóa thể thao
Điểm đến sinh hoạt tự hào thân thương
Tiền hiền phụng sự khói hương
Ngọ môn cung kính tiền đường tôn nghiêm
Giao thông huyết mạch kết liền
Đường 14E trải nhựa chủ trương trên hoàn thành
Sân vận động đẹp tựa bức tranh
Tô thêm vẻ đẹp quả banh lăng tròn
Tạo diện mạo mới nông thôn
Tạo sức sống mới dáng hồn quê hương
Khang trang tiểu học Đoàn Bường
Đẹp trường Mẫu Giáo bên đường lại qua
Công nhận đạt chuẩn Quốc gia
Sắc hương trên cát nở hoa học đường
Điệu xuân nữ :
Chợ Được lịch sử yêu thương
Xuân về khởi sắc ngát hương đượm nồng
Làng quê Chợ Được bên sông
Trung tâm văn hóa cánh Đông Thăng Bình
Hương quê lúa gạo trắng tinh
Thơm tho (bát) mì Quảng, đượm tình (con) cá tươi
Sáng ra họp chợ Đông vui
Chị em các xã ngược xuôi tụ về
Hàng trái cây ngọt lịm sum suê
Làm quà kính biếu mua về tặng anh
Thắm tình những gánh rau xanh
Của các cô thôn nữ thâm canh mượt mà
Điệu vè Quảng :
Mừng xuân lễ hội rước Cộ Bà
Trường Giang gợn sóng, hề la đua thuyền
Văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền
Chợ Được tái hiện hữu duyên đón chờ
Sông xuân phẳng lặng như tờ
Đêm xuân mở hội lững lờ hoa đăng
Cờ dung trống dục đất bằng
Âm thanh nhạc cổ tiếng kèn vang xa
Điệu hò Quảng :
Tri ân công đức của Bà
Là vị thần nữ lập ra chợ này
Được cái chợ - Chợ Được là đây
Gần 2 thế kỷ đến nay huy hoàng
Sắc xuân tỏa khắp xóm làng
Nghinh xuân, rước cộ nghiêm trang diễu hành
Nghệ nhân chưng cộ tâm thành
Đưa vào sử tích, họa tranh, tái hình
Chợ Được Kỷ Hợi quê mình
Của Bình Triều truyền thống thắm tình hoan ca
Điệu lý vãi chài :
Đất Bình Triều vang câu hò điệu hát
Kết nhạc ngân trên cát trắng tinh
Mừng xuân – mừng Đảng Quang vinh
Mừng đất anh hùng thành công nông thôn mới
Quê ta đẹp giàu
Nhân dân, nhân dân đón chào, đem chí mình
Đem chí mình, một lòng, một lòng tiến lên.
Nhạc
Tiến lên nào dưới cờ của Đảng
Thắp niềm tin, ánh sáng tương lai
Nhìn xem, nhìn xem trên đất quê hương
Nhờ Đảng dẫn đường – Đảng ta đem tới ấm no, mạnh giàu
Nhân dân – nhân dân Bình Triều
Hoan hô chào mừng
Chúc mừng, chúc mừng nhà nhà ấm no.
Trong các nội dung của chương trình lễ hội, một nội dung luôn được đồng bào và du khách mong đợi là những màn rước cộ và khoe sắc phong.
Chi tiết của chương trình rước cộ và khoe sắc diễn ra như sau:
Theo thứ tự, đầu tiên là đội hình ngũ sắc, tiếp theo là đội lân thể hiện cho loại hình múa tứ linh theo nhịp trống hùng hồn sôi nổi. Và tiếp theo là đội hình chinh cổ nhạc cổ truyền dân tộc. Tiếp theo là đội hình vũ nữ biểu hiện công dung ngôn hạnh hiền hòa mà anh dũng thể hiện tinh thần tự hào biết mấy của người phụ nữ anh hùng buất khuất trung hậu đảm đang. Cùng với đoàn diễu hành là quý cụ bô lão luôn biểu hiện tinh thần trẻ xông pha, già mẫu mực. Tiếp theo là xe hoa được gắn kết sắc phong của vị Thần nữ ở các thời kỳ vua Tự Đức, vua Khải Định, vua Bảo Đại, bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh Lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận năm 2008, bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được xã Bình Triều huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam” được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận ngày 19 tháng 12 năm 2014.
Cộ là loại hình văn hóa dân gian, mỗi bàn cộ là một tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc, biểu hiện nét đẹp chân chất và sự cảm hóa qua óc sáng tạo độc đáo, phong phú của các nghệ nhân làng cộ Chợ Được làm nên.
Trời Nam rạng rỡ
Đất Việt quang vinh
Dòng Hồng Lạc hơn 4 nghìn năm văn hiến
Dân tộc Việt Nam muôn thuở hiển vinh
Trải qua bao phen đất nước điêu linh
Người dân Việt mãi mãi xứng đáng noi gương con hồng cháu lạc
Bàn cộ thứ nhất là hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ:
Xa xưa ở miền Lạc Việt có một vị thần thuộc nòi rồng, thần tên là Lạc Long Quân. Thần là con trai của nữ thần Lạc Long Nữ, sống ở nơi thủy cung. Thần sống ở dưới nước, thỉnh thoảng lên cạn. Thần rất tài giỏi, khỏe mạnh, có nhiều phép lạ. Nhờ có thần mà dân vùng Lạc Việt diệt trừ được nhiều loại yêu quái như Hồ Tinh, Mộc Tinh, Ngư tinh,…Thần thường dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn và dạy cách làm nhà cửa để ở, cứ trú,…..
Ở vùng núi cao phương Bắc bấy giờ có một nàng tiên là Âu Cơ, vô cùng xinh đẹp, nàng thuộc dòng dõi thần nông. Nàng thích du ngoạn nên đã tới thăm vùng đất Lạc Việt và gặp Lạc Long Quân, họ yêu nhau và trở thành vợ chồng, Âu Cơ có thai và đẻ ra bọc trăm trứng, sau nở ra một trăm người con khôi ngô khỏe mạnh.
Vì Lạc Long Quân sống dưới nước, không quen sống ở trên cạn nên thần đã dẫn 50 người con xuống biển và nàng Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi để chia nhau trấn giữ các phương. Khi có việc gì đại sự sẽ giúp đỡ nhau và nguyện không bao giờ quên lời hẹn.
Nàng Âu Cơ đưa các con trở lên vùng rừng núi để tạo lập cơ ngiệp. Người con trưởng theo mẹ, được tôn lên làm vua lập ra nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương, vùa Hùng đóng đô ở Phong Châu, mười mấy đời truyền nối ngôi không thay đổi, lập nên bờ cõi an cư bốn phương. Dòng dõi con cháu ngày thêm đông đúc và thường xưng là con cháu của con Rồng cháu Tiên.
Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ là một huyền thoại đẹp, giàu ý nghĩa. Giải thích, ca ngợi và khẳng định nguồn gốc, dòng giống của con người Việt Nam ta vô cùng cao quý (dòng giống Rồng Tiên). Thể hiện một cách sâu sắc niềm tự tôn, tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu thương, đoàn kết dân tộc trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam chúng ta. Nhắc nhở chúng ta rằng nghĩa đồng bào là cao cả, thiêng liêng.
Tiếp theo là bàn cộ: Phù Đổng Thiên Vương
T Đời vua Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có một đôi vợ chồng già chăm chỉ, tốt bụng nhưng không có con. Một hôm, người vợ ra đồng thấy vết chân khổng lồ bén ướm chân thử, không ngờ ít lâu sau thụ thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô nhưng đến ba tuổi vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đó.
Lúc bấy giờ giặc Ân đang lộng hành, vua sai xứ giả đi khắp nơi tìm người tài giúp nước. Nghe tiếng rao, đứa bé bỗng bật dậy, cất tiếng nói cho mời sứ giả vào, con căn dặn sứ giả về tâu vua rèn cho một con ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt. Kì lạ thay, sau hôm gặp sứ giả, đứa bé lớn nhanh như thổi, ăn mấy cũng không no. Hai vợ chồng ông lão làm bao nhiêu cũng không đủ nuôi bèn nhờ hàng xóm cùng góp công nuôi dưỡng. Thế giặc ngày càng mạnh, vừa lúc sứ giả đem đồ đến, cậu bé vùng dậy biến thành một tráng sĩ cao lớn, oai phong, lẫm liệt. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, nhảy lên mình ngựa ra trận. Thánh Gióng đánh đâu thắng đó, roi sắt gãy người bèn nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh tan quân giặc.
Khi giặc rút lui, Gióng một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc rồi bay về trời. Từ đó nhân dân lập đền, mở hội hằng năm để tưởng nhớ công lao của thánh Gióng. Đến nay dấu tích của trận đánh xưa vẫn còn, đó là các ao hồ và những rặng tre đằng ngà vàng óng.í
Tiếp theo là bàn cộ Hai Bà Trưng:
Trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm, giữ gìn đất nước Việt Nam có nhiều cuộc khởi nghĩa, kháng chiến anh dũng, tiêu biểu chống ngoại xâm, giữ gìn và thống nhất đất nước, trong đó nổi bật là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng.
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện. Hai Bà mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (tỉnh Hà Tây ngày nay). Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam. Hai bà cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết. Hận giặc hãm hại nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát trên Sông Hồng (thuộc địa phận huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây) với lời thề trước giờ xuất binh:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này
(Theo Thiên Nam ngữ lục)
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh như vũ bão, đánh đuổi Tô Định phải bỏ chạy về nước. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhiều cuộc khởi nghĩa địa phương được thống nhất thành một phong trào rộng lớn từ miền xuôi đến miền núi, bao gồm cả người Việt và các dân tộc khác trong nước Âu Lạc cũ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã đánh chiếm được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước Việt hồi đó. Cuộc khởi nghĩa thành công, đất nước được hoàn toàn độc lập. Hai bà lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.
"Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta"
(Theo Đại Nam quốc sử diễn ca)
Nhân dân ta có rất nhiều người thuộc những vần thơ ca ngợi Hai Bà như sau:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận loài tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị, em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên kinh thành.
Đô kỳ đóng ở Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...
Sau khi Hai Bà Trưng mất, tưởng nhớ công ơn của các liệt nữ anh hùng, nhân dân nhiều địa phương đã lập đền, miếu thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh của Hai Bà.
Tiếp theo là bàn cộ: Trận đánh Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ớ phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân pháp đã lấy căn cứ này chiến lược cơ động.
Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 – 1954, lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lương ở ngay giữa Mườn Thanh. Sau 5 ngày chiến đấu ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm kiên cố vào bậc nhất là Him Lam va Độc Lập, sau đó làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt tiểu đoàn Bản Kéo, ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, 26 máy bay bị phá huỷ, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.
17h30 ngày 30/04/1954, ta mở đợt tấn công thứ 2. Cuộc chiến trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tất đất. Đến ngày 04/04 mỗi bên chiếm giữ 1 nửa đồi A1.
Đánh vào khu Đông ta diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Đế quốc Mỹ Chi viện cho thực dân Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ào ạt vào Đông Dương “.
Đêm 01/05/1954 ta mở đợt tấn công thứ 3, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 3/5/1954, bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy của địch 300m.
17h30 ngày 7/5/1954 , những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng Đờ-cat-tơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm xin hàng. Đêm đó ta tấn công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn). Nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết những câu thơ mô tả sinh động những ngày chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ nhưng hào hùng:
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
chiến sĩ anh hùng
đầu nung lửa sắt
56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm,cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
những đồng chí, thân chôn làm giá súng
Dầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
những đồng chí chèn lưng cứu pháo
nát thân, nhắm mắt còn ôm
những bàn tay xẻ núi lăn bom
nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện..
(hoan hô chiến sĩ Điện Biên)
Lễ hội “ Bà Chợ Được” là điểm đến lý tưởng cho đồng bào và du khách nhân dịp đầu xuân Kỉ Hợi 2019./.