Nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta nhắc ngay đến trào lưu văn học viết cho tuổi mới lớn. Trong rất nhiều truyện ngắn được giới bạn đọc yêu mến, Quán gò đi lên luôn là tác phẩm được yêu thích nhất không chỉ ở tính hài hước, vui nhộn, ngây thơ của lứa tuổi mới lớn mà còn bởi ở đó là một tình cảm yêu quê hương mãnh liệt đến cháy bỏng được tác giả gửi gắm vào đó, để rồi mỗi khi đi xa nhắc đến chợ Đo đo ai cũng nhớ về người Thăng Bình với bao phẩm chất đẹp đẽ, đó là những con người giàu tình cảm yêu thương. Quán gò đi lên là tác phẩm kể về những mẫu chuyện xoay quanh một quán ăn chuyên bán các món ăn xứ Quảng ngay trên mảnh đất Sài Gòn nhộn nhịp, xô bồ. Câu chuyện sẽ chẳng có gì hấp dẫn vì rất nhiều người họ có thể kinh doanh các món ăn riêng của vùng miền mình ở trên một miền đất khác sẽ thu hút được nhiều khách hơn. Nhưng với ngòi bút hài hước tài năng của mình, tác giả đã tạo dựng nên một câu chuyện đầy vui nhộn, từ đầu đến cuối câu chuyện là những tình huống hấp dẫn, lôi cuốn, khiến người đọc nở những nụ cười sảng khoái, vui nhộn. Các nhân vật nhí “bán quán” được tác giả xây dựng đều có những đặc điểm riêng, đáng yêu và có cả sự đáng thương. Các nhân vật khách tới quán với mong muốn được thưởng thức các món ăn xứ Quảng cũng có những tính cách riêng. Nhưng tất cả đều được nhà văn gửi gắm tình yêu quê hương sâu nặng vào đó, để nhân vật thay ông nói lên tất cả tình yêu dành cho miền quê Quảng Nam. Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh giới thiệu vài nét về Quán Đo Đo – cái tên rất quen thuộc đối với người Thăng Bình: “Quán Đo Đo nằm trên đường Nguyễn Hữu Cầu, kế chợ Tân Định, bề ngang bốn mét, bề sâu mười sáu mét ngăn làm ba,…”. Đối với những ai đi xa quê hương sẽ cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp mỗi khi có một món ăn, một cửa hàng nho nhỏ có những sản vật của quê hương mình được bày bán ở đó và sẽ vui biết bao khi có những con người được gọi là đồng hương của mình để họ gặp nhau, cùng nhau gợi nhắc về quê hương, hỏi thăm về bà con, xóm làng, miền quê mà lâu ngày vì cuộc sống mưu sinh họ chưa được về thăm lại. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã rất thấu hiểu tâm trạng ấy của những người con xa quê, ông đã tạo dựng nên những tình huống vui nhộn khiến người đọc cười nhưng không tránh khỏi xót thương cho các vị khách ra vào quán Đo Đo chỉ mong muốn được nghe một đứa bán quán nói tiếng Quảng chính gốc, là người Quảng thứ thiệt. Đó là cảm giác hụt hẫng như đánh mất người thân, đánh mất quê hương từ rất lâu và mong ước sao được tìm lại của vị khách đến quán Đo đo: “khách xứ Quảng đều là dân lưu lạc, thấy có cái quán quê hương ngay giữa Sài Gòn thì xúc động lắm. Đang chạy ngang, khách bóp thắng nghe cái rét…
Khách vỗ vai Cải, tỏ vẻ thân thiện:
- Cháu là người Quảng hả?
- Dạ! - Cải lễ phép.
- Khách nhíu mày:
- Người Quảng sao nói cái giọng ni. Nghe lạ hoắc à….vậy hồi trước cháu ở huyện nào?
Nghe ông khách hỏi một hồi thằng Cải xách cái quê hương của nó sang bên Quảng Đông của Trung Quốc chứ không phải là Quảng Nam nữa khiến ông khách lòng buồn trĩu nặng hơn: “Khách hụt hẫng, chân bước vô quán đã bớt vẻ hăng hái. Khách buông phịch người xuống ghế” và nhiều câu hỏi đặt ra trong ông, ông băn khoăn: “Món ăn thì đúng rồi. Toàn món Quảng Nam. Nhưng còn người Quảng Nam? Họ ở đâu trong cái quán này?”. Câu hỏi như chứa đựng biết bao nỗi niềm ưu tư, khắc khoải, mong ước được tìm thấy một cái gì đó rất đổi quý báu, đó chính là một người đồng hương với mình. Hỏi một hồi với hết cả đám lính của cô Thanh, nào con Kim, Lan, Lệ mà không có nhân vật nào là người Quảng Nam, khách buồn tình bỏ dở tô mỳ rồi ra về. Đến đây, ta thấy rằng, không chỉ có các món ăn được người dân xứ Quảng yêu thích trên mảnh đất khách Sài Gòn sầm uất, náo nhiệt mà còn cần lắm những con người Quảng Nam với giọng nói chân chất, mộc mạc như chính bản chất của mình.
Hiểu được tâm lý của người xa quê nóng lòng muốn được gặp lại người cùng quê và được nghe giọng nói của quê hương mình, tác giả đã mang đến mảnh đất Sài Gòn một nhân vật Cúc - cô gái quê ở chợ Kế Xuyên, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với những mẫu chuyện vui khiến người đọc dõi theo đầy thích thú. Có lẽ, không ở đâu có những cách phát âm như ở người dân Quảng Nam, những âm như: “ao” sẽ được đọc thành “ô”. Chính vì vậy, nhiều người dân ở các nơi khác đến Quảng Nam hoặc người dân Quảng Nam đến nơi khác với giọng nói của mình sẽ khiến cho nhiều người hiểu lầm. Trong tác phẩm, nhà văn cũng đã xây dựng nhân vật Cúc với một giọng nói đặc sệt chất Quảng. Cô gái nhỏ này mới những ngày đầu bước vào làm ở quán cũng đã khiến cho đám bạn trong quán ngã ngửa không biết bao lần. Nguyễn Nhật Ánh cũng đã tạo dựng nhiều tình huống dỡ khóc dỡ cười với cái giọng nói đặc “cứng” của Cúc: Có lần:
“Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ: - Chị kiếm cho em cứa “bô”!
Chữ “cái bao” qua giọng nguyên chất của con Cúc biến thành “cứa bô” khiến con lệ thừ ra một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toa let cầm cái bô đem ra: -Nè.
- Con Cúc ré lên:
- Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”
Đi sâu vào tác phẩm, chắc chắn nhiều bạn đọc đều có chung câu hỏi: “vì sao tác giả cũng chính là người gốc Quảng Nam lại đi “giễu cợt” về chính giọng nói của người dân quê hương mình?”. Nếu tìm hiểu một cách sâu sắc và thấu đáo, chúng ta sẽ thấy ở đó là không phải là sự “giễu cợt” mà chính là tình cảm tha thiết ông dành cho con người, cho quê hương mình. Đó không phải là “tự trào” và châm biếm, giễu cợt mà đó là niềm tự hào như chính tác giả đã từng đưa ra câu hỏi và trả lời một cách chân thành rằng: “Người Quảng Nam sao lại đem cái giọng của quê mình ra giễu cợt? Hỏi vậy là chưa hiểu đúng cốt cách người Quảng. Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới không ngại “tự trào” về mình […]. Bên cạnh sự thích thú, còn có sự thân thương. Nhất là những người Quảng tha hương, đã bao nhiêu năm không được sống trong khung cảnh quê nhà, bây giờ bỗng đọc thấy, bỗng nghe nói chữ “con tơm” thay vì “con tôm”, “cứa bô” thay vì “cái bao”, “thôm lôm” thay vì “tham lam” tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về” *. Thật vậy, trong những kỷ niệm ùa về ấy có cả hình ảnh của con người, của quê hương mình trong đó với bao ký ức tươi đẹp. Bằng tất cả trái tim yêu thương, tình cảm gắn bó sâu nặng với người dân Quảng Nam, Nguyễn Nhật Ánh đã khắc họa trong câu chuyện của mình những nhân vật với nhiều nét tính cách thể hiện được khí phách, phẩm chất đáng quý của người Quảng, đó là sự chân chất đến mộc mạc, là sự hăng say trong lao động, sự chân thành đến tha thiết và một tình cảm yêu thương giữa người với người sâu nặng,…
Có thể nói, trên đất nước, quê hương mình nơi đâu cũng đẹp và miền quê Thăng Bình, Quảng Nam cũng vậy. Nhưng vẻ đẹp ấy có thể được nhiều người biết đến một cách rộng rãi nhất còn là nhờ công lao to lớn của các văn nhân nghệ sỹ, chính họ đã mang hình ảnh con người, thiên nhiên của đất nước, quê hương vào những trang thơ, trang văn, nhạc, họa,….để rồi mỗi khi ai đó nghe được, đọc được những tác phẩm ấy, dù chưa được đặt chân đến miền đất ấy một lần vẫn có thể hiểu được những vẻ đẹp của vùng miền đó. Bằng tất cả tình cảm yêu quê hương sâu nặng cùng với tài năng văn chương hơn người của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã đưa miền đất Thăng Bình, Quảng Nam với bao vẻ đẹp từ thiên nhiên cho đến những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây đến với đông đảo công chúng bạn đọc trên mọi miền đất nước. Và đó cũng chính là lí do làm cho Quán gò đi lên của ông được đông đảo bạn đọc yêu thích. Qua đây, ta có thể khẳng định Quán gò đi lên là một trong những truyện ngắn thể hiện tình yêu sâu nặng của tác giả và của cả người dân đất Quảng đối với quê hương, đất nước và con người.
*Bài viết có tham khảo tưu liệu trong sách Thăng Bình 40 năm xây dựng và phát triển 1975 – 2015 và tác phẩm Quán gò đi lên – Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ.