Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hiệu quả từ mô hình tái hòa nhập cộng đồng

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:02 | 24/12/2017 Lượt xem: 332

Mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hay còn gọi là mô hình 4 trách nhiệm được triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình thời gian qua đã mang lại những tín hiệu tích cực, là cầu nối giúp cho nhiều người từng có quá khứ lầm lỗi trở về với cuộc sống đời thường, ổn định cuộc sống.

Lễ ra mắt mô hình “tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù” tại xã
Bình Minh

Anh Nguyễn Văn Lực, SN 1992 ở thôn Liễu Thạnh xã Bình Nguyên từng có quá khứ không mấy tốt đẹp với những tháng ngày ăn chơi lêu lổng, đua đòi với những thú vui vô bổ. Trong một lần uống rượu say, chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển phương tiện chở quá số người quy định gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người. Năm 2013, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, bản thân anh Lực không khỏi mặc cảm với mọi người xung quanh, sự e dè, ngại tiếp xúc là điều dễ nhận thấy trong khoảng thời gian Lực mới ra tù. Thấu hiểu vấn đề đó, chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể của xã đã kịp thời động viên, vận động, tuyên truyền để anh Lực đứng lên, làm lại cuộc đời từ sau lầm lỗi. Từ sự động viên, tạo điều kiện giúp đỡ của các đoàn thể, việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng cá nhân đã giúp Lực lấy lại sự tự tin, quay trở lại học hành. Sự nỗ lực được đền đáp khi Lực thi đỗ vào trường Đại học kiến trúc Đà Nẵng, hiện còn một năm học nữa là Lực sẽ ra trường, đó là điều mà trước kia cả gia đình Lực không dám mơ tới.

Còn với anh Dương Thanh Cường, SN 1989, ở thôn Thanh Ly 2, năm 2008, trở về địa phương sau 1 năm phạt tù về tội trộm cắp tài sản. Trước những khó khăn ban đầu, anh được gia đình và chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ để trở thành người có ích cho xã hội. Với những nổ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ anh đã thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Và sau đó anh Cường được nhận vào làm việc tại Nhà máy ô tô Trường Hải với một công việc ổn định.

Những trường hợp mà chúng tôi vừa nêu là 2 trong số hàng trăm trường hợp khác trên địa bàn huyện đã biết đứng lên, làm lại cuộc đời sau những vấp ngã trong quá khứ. Cùng với sự nổ lực bản thân những người chấp hành xong án phạt tù thì có vai trò không nhỏ của của cộng đồng xã hội trong việc quan tâm, thay đổi cách nhìn nhận giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập xã hội. Do đó việc triển khai mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù hay còn gọi là mô hình “4 trách nhiệm” chính là ánh sáng, thắp lên ngọn lửa hy vọng với mỗi ai từng mắc phải sai lầm.

Ông Đặng Ngọc Hải – Trưởng Công an xã Bình Nguyên cho biết, hoạt động của mô hình tập trung vào hai nội dung chủ yếu là công tác quản lý, giáo dục và định hướng việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Thông qua việc tiếp xúc, gặp gỡ, sẽ nắm bắt được điều kiện hoàn cảnh tâm tư nguyện vọng của từng người; kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, qua đó sẽ có những biện pháp quản lý giáo dục, giúp đỡ phù hợp với từng hoàn cảnh riêng. Ông Hải cho biết thêm, thông qua các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, những trường hợp nào có nhu cầu chính đáng sẽ được xem xét, tạo điều kiện để vay vốn, phát triển kinh tế; hiện xã Bình Nguyên đã có 12 trường hợp được vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống với số tiền hơn 200 triệu đồng.

Thượng tá Phan Văn Ngạt – Phó trưởng Công an huyện cho biết, hiện trên địa bàn huyện có gần 900 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, đa số các trường hợp này chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Việc triển khai mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các trường hợp một thời lầm lỗi.  “Đây là dịp để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội  trong việc chung tay giúp đỡ, cảm hóa, tránh trường hợp kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù, qua đó giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội có cách nhìn nhân văn hơn đối với người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương” -  Ông Ngạt nói./.

Tác giả: Văn Toàn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031192259