Trong những chuyến đi công tác, chúng tôi có dịp được tham gia cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thăng Bình trong những đợt khai quật mộ liệt sĩ. Điều mà chúng tôi cảm nhận được trong mỗi chuyến đi không phải là địa điểm khai quật hiểm trở hay yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến quá trình rà soát chính xác mộ liệt sĩ mà chính là sự hy vọng hiện hữu trên khuôn mặt của thân nhân gia đình liệt sĩ. Đôi mắt thấp thỏm chất chứa niềm tin của người mẹ già trên khuôn mặt đầy vết chân chim hay sự mỏi mòn chờ đợi của các thế hệ con cháu liệt sĩ trên hành trình đi tìm hài cốt của người cha, người anh của mình đã nói lên tất cả.

Cải táng hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang địa phương
Cách đây không lâu, chúng tôi cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, các xã Bình Minh và Bình Dương cùng tham gia khai quật, cất bốc mộ của 2 liệt sĩ là Nguyễn Nêu và Nguyễn Lãnh tại thôn 6 xã Bình Dương. Trước khi cất bốc mộ, phía gia đình của cả hai liệt sĩ đều có mặt từ rất sớm và câu chuyện về hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Nêu của gia đình ông Nguyễn Tấn Hùng ở thôn Hà Bình xã Bình Minh khiến chúng tôi rất cảm động và hiểu được sự ác liệt của chiến tranh, những đau thương mất mác mà nhân dân ta phải gánh chịu. Ông Hùng chia sẻ, tính đến nay đã là hơn 20 năm gia đình đi tìm thông tin mộ của người em mình, ngần ấy thời gian đã chứng kiến không ít hy vọng từ gia đình khi nhận thông tin đi cất bốc, nhưng hy vọng vụt tắt khi xác nhận đó không phải là người thân của mình. Đã có không dưới 10 lần nhận thông tin khảo sát và tìm mộ từ những nguồn thông tin khác nhau nhưng tất cả cũng không thể xác định được. Đến hôm nay, khi đã xác nhận được và tiến hành cải táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã nhà, tâm nguyện của ông Hùng bấy lâu nay đã được hoàn thành. Đối với ông thật hạnh phúc và đầy vinh dự.
Trong hành trình đi tìm và cất bốc mộ liệt sĩ tại xã Bình Dương đợt này, một nhân tố mà theo chúng tôi không thể thiếu và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình đầy gian nan ấy, đó chính là những người cung cấp thông tin mộ liệt sĩ. Đó có thể là những người làm công tác trong quân đội, hoặc cũng có thể chính là những người đồng đội cùng chiến đấu với các liệt sĩ. Bắt chuyện với ông Đặng Ngọc Hòa, sinh năm 1945, hiện sống tại xã Bình Minh. Ông Hòa nguyên là tình báo của lực lượng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn huyện và cũng chính là đồng đội của hai liệt sĩ nêu trên. Ông Hòa kể tôi nghe rất nhiều về sự ác liệt của chiến tranh, nhưng điều mà chúng tôi ấn tượng nhất đối với ông trong ký ức đó chính là tình đồng đội, đồng chí. Ông kể, thời đó khổ lắm, có lúc phải ăn cây sơn mà sống qua ngày, nhưng tinh thần của anh em thì lúc nào cũng… “phơi phới”. Và cũng chính ông là người an táng hai liệt sĩ khi hy sinh trên chiến trường. Mặc dù vậy, nhưng do yếu tố thời gian làm thay đổi địa hình, cùng sự liên lạc của những người đồng đội cũ, đến nay, phần mộ của hai đồng đội hy sinh trong trận đánh năm xưa mới được tìm thấy.
Theo thống kê từ Ban Chỉ huy quân sự huyện, trong giai đoạn từ năm 2011đến 2015, đơn vị đã tiến hành cất bốc quy tập gần 30 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương. Hiện nay, vẫn còn nhiều phần mộ liệt sĩ chưa rõ thông tin, đơn vị cũng đã tích cực phối hợp với các ngành, các cơ quan, những người đồng đội cũ của các liệt sĩ nhằm quy tập các phần mộ liệt sĩ về với quê hương.
Năm tháng chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn còn đó những con người nằm lại trên chiến trường năm xưa, họ đã cống hiến cả tuổi đời thanh xuân vì độc lập tự do dân tộc. Và thế hệ hôm nay, được sống trong thời bình, chúng ta lại càng thêm trân trọng và thấu hiểu hơn niềm hy vọng của những gia đình thân nhân liệt sĩ./.