Đưa chúng tôi đến thăm lại Căn cứ Lõm Bàu Bính thuộc thôn 4 xã Bình Dương, ông Phan Thanh Toán, người trực tiếp tham gia chiến đấu cùng với đồng đội vẫn còn nhớ như in giây phút sinh tử cùng đồng đội tại căn cứ này vào năm 1972. Lúc này, địch tập trung nhiều lực lượng, vũ khí hiện đại để chiếm căn cư Lõm. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân ta, bọn địch luôn bại trận, tổn thất nặng nề. “ Chiến thắng căn cứ Lõm đã mở ra điều kiện thuận lợi giải phóng vùng Đông của huyện lúc bấy giờ, điều quan trọng hơn cả đó là củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với cách mạng, nếu không có căn cứ Lõm này thì làm sao mà chúng ta chiêu mộ lực lượng trong vùng địch, làm sao mà các đội công tác bí mật để tuyên truyền, vận động nhân dân, dù mất đất, nhưng không để mất dân”. Ông Toán nói.
Sau Hiệp định Pari năm 1972, lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình luôn giữ vững sự liên kết giữa các cánh quân. Trực tiếp chỉ huy cánh quân hướng Tây, tác chiến tăng cường, mở đường cho bộ đội địa phương tăng cường xuống các xã cánh Đông, Cựu chiến binh Đỗ Thị Phổ, Nguyên huyện đội phó Thăng Bình không thể nào quên được thời điểm ác liệt đi qua con đường huyết mạch tại Bình Tú làm cơ sở giải phóng vùng Đông. Khó khăn trăm bề, nhưng bằng sự mưu trí và hỗ trợ lực lượng dẫn đường của du kích địa phương, cánh quân do bà Phổ chỉ huy đã vượt qua sự kìm hãm của địch để tiến công làm bàn đạp giải phóng cả vùng Đông của huyện lúc bấy giờ. Sinh ra và lớn lên tại cơ sở cách mạng Bình Định Nam, nơi mà quân địch chốt chặn ở cánh Tây của huyện. Hưởng ứng phong trào thanh niên xông lên đánh giặc, từ những năm 18 tuổi, cô gái Phổ ngày ấy đã thường xuyên bí mật tham gia đội du kích tại địa phương, bí mật tiếp tế đạn dược, cung cấp lương thực cho quân ta. Trong những lần đi tiếp tế, đã không ít lần lọt vào vòng vây của địch, nhưng bằng sự mưu trí, bản lĩnh của một người chỉ huy đội công tác cô đã bình tĩnh chỉ đạo đồng đội vượt qua khỏi sự kìm kẹp của địch
Đó là những câu chuyện về sự gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của những bậc cha anh đi trước. Phát huy truyền thống quê hương Thăng Bình anh hùng, thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, lực lượng vũ trang huyện trở thành lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng, giữ vững An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện bàn giao nhà tình nghĩa cho người có công cách mạng
Thượng tá Lê Văn Huy – Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện cho biết, thời gian qua, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, lực lượng vũ trang trong toàn huyện đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, đồng hành cùng với địa phương và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hiện nay. Lực lượng vũ trang huyện đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới như phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, chăm lo gia đình có công cách mạng, xây dựng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Năm tháng chiến tranh đã qua đi, nhưng ký ức về một thời anh hùng của những người con sinh ra trên mãnh đất Thăng Bình đầy nắng gió sẽ mãi được lưu giữ cho thế hệ mai sau. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Thăng Bình hôm nay mãi khắc ghi thế hệ cán bộ - chiến sỹ, lớp người hôm qua đã hiến dâng trí tuệ, mồ hôi, xương máu, cùng với những năm tháng đẹp nhất của một đời người để giải phóng quê hương. Không ngừng xây dựng sức mạnh tổng hợp quân đội cả về chính trị và quân sự, đồng thời phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng an ninh trong tình hình mới./.