Từ đây, phong trào nhân dân vũ trang phát triển mạnh, mỗi xã có một trung đội tự vệ chiến đấu, lực lượng bán vũ trang toàn huyện có đến hàng nghìn người gồm những người được tin cậy trong quần chúng được tuyển chọn kỹ càng. Lực lượng vũ trang ban đầu thành lập tuy chưa hoàn chỉnh về số lượng và chất lượng, song đây là những nòng cốt trung kiên, đóng vai trò quyết định trong xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng huyện Thăng Bình. Trải qua thử thách, rèn luyện, lực lượng này hội tụ những điều kiện để từng bước đi lên, phát triển vững vàng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến của huyện đi đến thắng lợi.
Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, là vùng tự do, tiếp giáp với vùng tạm chiếm, quân và dân Thăng Bình vừa đánh giặc, vừa tích cực xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, hoạt động sôi nổi, làm cho cao trào cách mạng trong huyện ngày càng mạnh mẽ. Lớp lớp thanh niên hăng hái gia nhập vào dân quân, du kích, tự vệ cứu quốc, hay những đoàn quân lên đường vào Nam đánh giặc theo tiếng gọi của non sông với ý chí, quyết tâm cao. Bên cạnh sự nhiệt tình của tuổi trẻ, hội mẹ chị đã hăng hái nhận quân nhân làm con, em nuôi, cùng hàng nghìn chiếc áo trấn thủ gửi ra tiền tuyến; các cụ phụ lão hăng hái luyện tập trong các đội bạch đầu quân, sẵn sàng bố phòng đánh địch. Nhân dân làm tốt công tác phòng gian bảo mật, đi dân công phục vụ chiến trường. Khí thế sục sôi trong những ngày kháng chiến còn được thể hiện ở công tác bố phòng, tổ chức trận địa, đánh địch giữ vững vùng tự do và tham gia chiến đấu ở chiến trường phía bắc tỉnh. Truyền thống yêu nước cùng với niềm tin đối với Đảng và Hồ Chủ tịch đã biến thành sức mạnh vượt mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, xây dựng hậu phương chiến lược vững chắc và cung ứng đến mức cao nhất về sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đánh bại thực dân Pháp xâm lược.
Trên chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, mà trực tiếp là Huyện ủy, Tỉnh ủy, Tỉnh đội và sự chi viện, giúp đỡ của các địa phương, sự đùm bọc, chở che của nhân dân trên khắp địa bàn, lực lượng vũ trang nhân dân Thăng Bình đã vượt qua những thử thách cam go, ác liệt, nếm trải những đau thương, mất mát, cùng Đảng bộ và nhân dân trong huyện lập nhiều chiến công. Năm 1962 Ban Quân sự huyện ra đời tạo bước chuyển mới trong việc xây dựng lực lượng. Đến ngày 10.01.1965, Đại đội V15 của huyện được thành lập, đơn vị làm nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình. Đơn vị V15 bộ đội huyện được huấn luyện chiến thuật đặc công làm nhiệm vụ tiêu diệt các đồn bót địch trong công sự vững chắc, đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện, khí tài của địch… Những năm 1965 - 1972, trên chiến trường huyện Thăng Bình trở nên cực kỳ khó khăn, ác liệt; kẻ địch tăng cường đánh phá để thực hiện “bình định” nông thôn, đồng bằng, cày ủi xóm làng, xúc tát nhân dân vào khu dồn ấp chiến lược, ngày đêm bắn phá với cường độ khốc liệt, nhưng nhân dân vẫn kiên cường bám trụ; một số khu vực trên địa bàn huyện kẻ địch không bình định được như: Đồng Linh, Phước Cang (Linh Cang), An Lý (Bình Phú), Cao Ngạn (Bình Lãnh), xóm Dừa (Bình Giang), thôn 4 (Bình Dương)…Từ các căn cứ trụ bám này, bộ đội và du kích tạo bàn đạp tấn công tiêu diệt địch. Sau Hiệp định Pa-ri, các lực lượng vũ trang Thăng Bình giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu, liên tục đánh địch bằng các hình thức, chiến thuật hiệu quả, giữ vững vùng giải phóng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các đơn vị bộ đội huyện cùng du kích, đội công tác, an ninh vũ trang phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 70, 72 bộ đội tỉnh, mở đường dây, thọc sâu xuống vùng Đông, tấn công tiêu diệt hàng loạt chốt điểm của địch như: đồi Tương, miếu Ông Mèo, Chợ Được, Mù U…phá khu dồn dân, giải phóng các xã vùng Đông, tạo bàn đạp tấn công thành phố Tam Kỳ từ hướng Bắc và vây ép quận lỵ Thăng Bình. Ngày 26.3.1975, từ các mũi tiến công đồng loạt nổ súng bao vây, đánh địch, giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình.
Với những thành tích đó, LLVT huyện đã được tặng thưởng 01 cở đơn vị thành đồng quyết thắng, 01 cờ đơn vị quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, 01 cờ đơn vị đánh sâu diệt gọn; 05 Huân chương Quân công, Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 122 Huân, Huy chường và bằng khen của Nhà nước, Quân khu, tỉnh trao tặng. Đặc biệt, ngày 29/01/1996, được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVT nhân nhân cho quân và dân huyện Thăng Bình, 17/22 xã, thị trấn tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân, 1 lần anh hùng lao động, Đại đội V15 và 24 cá nhân được tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân. Toàn huyện có 1.776 mẹ được phong tặng và truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có 03 đồng chí là tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại trên mảnh đất Thăng Bình hậu quả nặng nề. Không một làng quê, thôn xóm nào tránh được sự đào bới của bom đạn. Nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, quân dân Thăng Bình đã không quản ngại gian nan, bền gan vững chí, chung sức, chung lòng, cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương giàu đẹp, trên con đường đi lên CNXH. Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện luôn biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra nhiều phong trào thi đua rộng khắp và đạt được nhiều thành tích to lớn; cùng với nhân dân trong huyện thực hiện tốt phong trào khai hoang, phục hoá, tháo gỡ hàng vạn quả bom mìn giải phóng hàng nghìn ha đất canh tác cho dân. Năm 1978, bọn phản động Pônpốt - Iêngxari gây chiến tranh biên giới Tây Nam; chấp hành quyết định của trên, huyện Thăng Bình cử một số cán bộ sĩ quan ưu tú lên đường chiến đấu, tuyển chọn hàng trăm thanh niên bổ sung cho các đơn vị ngoài mặt trận, góp phần cùng với quân dân cả nước làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Phong trào đền ơn đáp nghĩa được LLVT huyện hưởng ứng tích cực, cùng với nhân dân quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đưa vào nghĩa trang; công tác chính sách hậu phương quân đội đã được triển khai thực hiện chu đáo, góp phần làm vơi đi nỗi đau mất mát của các gia đình và đối tượng chính sách. Tình hình ANCT - TTATXH luôn được giữ vững.
Trong những năm qua, trên tinh thần vượt khó vươn lên, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện đã không ngừng phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống trung dũng kiên cường trong chiến đấu. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, Biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên không ngừng được củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng, đảm bảo độ tin cậy cao. Hằng năm, LLVT huyện đều hoàn thành khá tốt nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao và giành được những thành tích đáng kể. Ngoài ra LLVT huyện luôn tích cực tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng, tham gia các chương trình xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng Nông thôn mới,… được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân mến phục, tin yêu. Đặc biệt, năm 2012 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3 và trong những năm gần đây, được UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu khen thưởng.
Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT huyện, chúng ta càng trân trọng, mãi mãi không quên và biết ơn sự lãnh đạo và chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 5, mà trực tiếp là Tỉnh ủy, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và Huyện ủy Thăng Bình, sự chi viện sức người, sức của của hậu phương miền Bắc XHCN; đặc biệt là huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá kết nghĩa; sự phối hợp hiệp đồng tác chiến của các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, Quân khu, Tỉnh đội và các huyện bạn. Chúng ta vô cùng biết ơn sự giúp đỡ, cưu mang đùm bọc của nhân dân trong huyện cùng với LLVT huyện từng bước đẩy lùi và đánh bại các chiến lược chiến tranh của kẻ thù. Năm tháng sẽ qua đi, cuộc sống không ngừng tiến lên phía trước, nhưng lớp lớp cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện hôm nay và lớp lớp con cháu mai sau sẽ đời đời ghi nhớ các thế hệ cán bộ - chiến sỹ, lớp người hôm qua đã hiến dâng trí tuệ, mồ hôi, xương máu, cùng với những năm tháng đẹp nhất của một đời người để làm nên truyền thống của quê hương anh hùng./.