Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hiệu quả từ mô hình Tiếng mõ an ninh và Tổ dân phòng tự quản

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 16:01 | 15/10/2014 Lượt xem: 626

Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã Bình An hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu với những cách làm sáng tạo. Mô hình Tiếng mõ an ninh và Tổ dân phòng tự quản tại địa bàn thôn An Thành III là một trong những mô hình có cách làm hay và hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương .

Với tổng số hộ dân là 340 hộ, thôn An Thành III nằm về phía Nam xã Bình An, giáp ranh với 02 xã Tam Thành và Tam An huyện Phú Ninh. Với địa hình như vậy nên tình hình an ninh trật tự những năm trước đây rất phức tạp, nhất là các trường hợp các nhóm thanh niên tụ tập uống rượu, cờ bạc rồi gây gỗ đánh nhau, đặc biệt tệ nạn trộm cắp vặt xảy ra thường xuyên, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong nhân dân.
     Với quyết tâm lập lại tình hình an ninh trật tự trong thôn xóm, đặc biệt góp phần thực hiện thành công tiêu chí 19 về xây dựng nông thôn mới; xác định được tầm quan trọng đó, ngay sau khi xã Bình An phát động xây dựng nông thôn mới, ban cán sự thôn kết hợp với các đoàn thể tham mưu chi bộ thôn đề nghị Thường vụ Đảng ủy, UBMTTQVN xã thống nhất để thôn phát động xây dựng mô hình "Tiếng mõ an ninh" và "Tổ dân phòng tự quản". Mặc dù còn nhiều khó khăn  nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ và sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân, vào ngày 24/7/2013, mô hình tiếng mõ an ninh, thành lập Tổ dân phòng tự quản chính thức ra mắt. Mô hình Tiếng mõ an ninh do chi hội nông dân thành lậpvận dụng theo phương pháp truyền thống. Mỗi hộ gia đình trong thôn đều làm một cái mõ bằng tre, được treo ở những nơi thuận lợi để dễ dàng gõ mõ khi có sự cố. Khi có vụ việc xảy ra ở khu vực gia đình nào thì gia đình đó chủ động gõ mõ, các gia đình khác khi nghe tiếng mõ sẽ hưởng ứng gõ theo để huy động bà con tham gia, cùng với Tổ dân phòng chốt chặn hay tiếp quản hiện trường xử lý vụ việc. Tổ dân phòng do Chi hội Cựu Chiến binh thành lập, có 09 người, 01 tổ trưởng, 01 tổ phó và 07 thành viên hoạt động theo nội quy, quy chế của Tổ. Mỗi tuần, tổ dân phòng thay phiên tuần tra 3 buổi trên tất cả tuyến đường địa bàn thôn. Nguồn kinh phí hoạt động của tổ chủ yếu là đóng góp trong nhân dân, mỗi hộ dân đóng góp 10 nghìn đồng/tháng.

     Mô hình tiếng mõ an ninh đã phát huy tác dụng ở Thôn An Thành III xã Bình An

     Mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực, vào cuối tháng 12 năm 2013, một số đối tượng thanh niên ở nơi khác đến gây gỗ, quậy phá trên địa bàn thôn; thế là tiếng mõ từ người dân báo động rồi lan ra khắp thôn, lập tức đội dân phòng tuần tra có mặt ngay tại hiện trường cùng với bà con nhân dân trấn áp, vây bắt 03 đối tượng gây rối và bàn giao cho công an xã giải quyết vụ việc.
     Từ khi xây dựng mô hình "Tiếng mõ an ninh", Tổ dân phòng đi vào hoạt động, phối hợp cùng với công an viên, thôn đội thường xuyên tuần tra nên tình hình trộm cắp trên địa bàn thôn giảm đáng kể. Thanh, thiếu niên không còn tụ tập uống rượu trên các tuyến đường liên thôn, liên xóm; các đối tượng gây rối, trộm cắp cũng rất e dè khi đến địa bàn này; các trường hợp xảy ra đều được phát hiện, xử lý kịp thời. Bà con nhân dân yên tâm sinh hoạt, lao động sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong nhân dân, động viên toàn dân tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật,  sự đoàn kết, thống nhất trong việc thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mớiMô hình này đã được đánh giá cao tại các Hội nghị ở xã, ở huyện.
     Chia sẻ với chúng tôi, Ông Phạm Văn Liên, Bí thư Chi bộ thôn An Thành III, người trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện mô hình cho biết: mô hình này hoạt động hiệu quả trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể ở xã; sự chỉ đạo của chi bộ, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị ở thôn, và đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng của đông đảo bà con nhân dân. Để có được sự đồng tình này, Ban công tác Mặt trận thôn đã tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là Tổ dân phòng tự quản hoạt động nhưng không được hưởng chế độ nào, tiền nhân dân đóng góp cũng quá ít ỏi, chỉ đủ mua trang phục cho anh em. Riêng trong năm 2014, vì bà con phải đóng nhiều các khoản phí, lệ phí, tiền ủng hộ các quỹ nên thôn tạm ngưng thu tiền đóng góp hỗ trợ tổ dân phòng. Hiện nay, Chi bộ, ban cán sự thôn đang nghiên cứu tìm giải pháp tạo nguồn kinh phí để có thể hỗ trợ cho anh em tham gia Tổ dân phòng mỗi người một bảo hiểm y tế nhằm khuyến khích, động viên tinh thần của anh em.
     Ông Võ Văn Phụng - Bí thư Đảng ủy xã Bình An cho biết thêm: Mô hình Tiếng mõ an ninh và Tổ dân phòng tự quản tại Thôn An Thành III đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn cũng như xã Bình An, đồng thời qua mô hình này, đã nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trong nhân dân. Xã đang tiếp tục vận động các doanh nghiệp, công ty hỗ trợ nguồn kinh phí giúp Tổ dân phòng các thôn duy trì hoạt động và hoạt động hiệu quả. Hiện nay, mô hình này đã được thực hiện tại địa bàn các thôn An Thành I, An Thành II. Từ nay đến cuối năm 2014, Đảng ủy quyết tâm chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra các thôn còn lại của xã là thôn An Dưỡng, An Thái, An Phước và An Mỹ,… để góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 19 về an ninh trật tự trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã nhà. Ông Phụng khẳng định.

Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

Nguồn tin: Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031246768