Bản Hiến pháp mới đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra và đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và nhà nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước tiến lên trong thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đây cũng là bản Hiến pháp vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế. Với bố cục 11 chương, 120 điều, bản Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc và toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Để Hiến pháp nhanh chóng được quán triệt, triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành và toàn xã hội cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là tập trung phân tích, làm sáng tỏ những nét mới của Hiến pháp sửa đổi; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về việc triển khai và thực thi Hiến pháp. Mặt khác, hoạt động tuyên truyền cần tập trung nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt, nhận thức của đảng viên và đội ngũ cán bộ, công chức về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện tốt những quy định của Hiến pháp và Pháp luật. Đi đôi với các công tác trên, việc tuyên truyền Hiến pháp mới cần đấu tranh mạnh mẽ, sắc bén với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng việc ban hành Hiến pháp để tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong đấu tranh làm thất bại những luận điệu kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch cần chú trọng bảo vệ tính đúng đắn của Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối của Đảng; bác bỏ những quan điểm sai trái như phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đòi đổi tên Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, muốn nước ta đi theo con đường Xã hội dân chủ tư sản và thể chế chính trị tư sản…Đồng thời, đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, gây rối phá hoại việc thực thi Hiến pháp, nhất là những quan điểm như phủ nhận đóng góp của Hiến pháp năm 1992 và những quan điểm bổ sung, điểm mới của Hiến pháp; không công nhận Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2013, xuyên tạc Dân chủ XHCN trong quá trình thực thi Hiến pháp và Pháp luật, vu khống, xuyên tạc quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp, thổi phồng sơ hở, yếu kém của hệ thống chính trị để kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết…
Song song với công tác trên, cần uốn nắn, khắc phục những quan điểm, nhận thức lệch lạc, không đầy đủ về dân chủ và pháp chế XHCN, phê phán những quan điểm cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không tạo ra những chuyển biến lớn; quá trình sửa đổi tiến hành hình thức, không bảo đảm dân chủ…
Việc tuyên truyền đầy đủ các nội dung của Hiến pháp cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đồng thời cùng với quá trình thể chế hóa các vấn đề cơ bản của Hiến pháp thành các luật và các văn bản dưới luật gắn với quá trình tổ chức thực hiện Hiến pháp và Pháp luật phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Có thể nói, với những điểm mới được xác định bản chất Hiến pháp sửa đổi năm 2013 được Quốc hội thông qua đã thể hiện quan điểm đổi mới cũng như quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế./.