Những ký ức gắn với hàng cây xanh có thể theo suốt cuộc đời mỗi người. Ảnh: XUÂN CHÍNH
Mấu chốt là quy hoạch và quản lý
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các đô thị Việt Nam phát triển thịnh vượng, thân thiện với môi trường. Song, cho đến thời điểm hiện nay, rõ ràng, những gì đặt ra đầy kỳ vọng trong quy hoạch vẫn chưa được triển khai bao nhiêu trong thực tế, nếu không muốn nói là có phần thụt lùi, khi nhìn từ góc độ quy hoạch cây xanh.
Xin lấy đại diện là Thủ đô Hà Nội, một thành phố có nguồn gốc sông nước, các mảng thực vật tự nhiên phát triển tốt, được thiết kế "kiến trúc cây" bài bản từ đầu thế kỷ 20. Khi ấy, Hà Nội được quy hoạch theo ý tưởng "thành phố vệ sinh" và "thành phố vườn", được đúc rút những kinh nghiệm từ nhiều thành phố khác nhau trên thế giới. Ở đó, cây xanh bao giờ cũng được ưu tiên trồng trước khi xây dựng công trình nhà, đường sá. Và những đường cây đặc trưng của Hà Nội đã trở thành giai điệu phố đi vào thơ ca và đời sống tâm thức phố của cư dân. Hay nói đến TP Hồ Chí Minh, những con đường cây mà nhắc qua thì ai cũng nhớ như Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Hoàn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... đã góp phần khẳng định giá trị của đô thị thông qua tuổi tác của cây. Ấy thế nhưng, qua thời gian, những nét đặc trưng xanh của hai đô thị lớn nhất cả nước đều mai một đi rất nhiều. Thậm chí, có tiếng nói mạnh mẽ từ phía các chuyên gia còn mong muốn cứu được thảm xanh cây cối của đô thị.
Muốn không bị các đô thị nước bạn bỏ quá xa về diện tích cây xanh đô thị tính trên đầu người, thì chiến lược quốc gia về cây xanh cần phải được hiện thực hóa vào chương trình hành động của các cấp quản lý. Những kinh nghiệm quốc tế cần được học hỏi nghiêm túc. Và từ mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, những người có trách nhiệm góp phần làm xanh thành phố cũng cần chung sức bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ đúng đến hình thành các hành động cụ thể.
Đưa cây xanh đô thị trở thành một chuyên ngành khoa học thật sự không còn là ý tưởng mới mẻ gì. Nói cách khác, đã đến lúc các nhà khoa học- quản lý đô thị cần có những việc làm thiết thực, từ quy hoạch đến xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cây trồng, kỹ thuật, chăm sóc, v.v. Muốn vậy, Nhà nước cần sớm ban hành chế tài bảo vệ tài sản cây xanh công cộng, đẩy mạnh sự giám sát của xã hội đối với bảo vệ và chăm sóc cây xanh. Đồng thời, hoàn thiện chương trình đào tạo nhân lực có kiến thức khoa học và kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị. Tiếp theo là tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây, không mang tính phong trào, mà cần thực chất để qua đó nhân lên tinh thần tự giác trong cộng đồng.
Chúng ta đã có những bài học và nền tảng văn hóa trong quy hoạch kiến trúc đô thị. Chẳng có lý do gì không kế thừa những thành tựu đã có, để phát huy hơn trong việc tạo ra những đô thị có đầy đủ các giá trị, quy hoạch những con phố đậm dấu ấn và đặc trưng riêng. Để rồi từ đó, bồi đắp tính cách và văn hóa con người, bồi lắng một lối sống văn minh gắn bó hài hòa với những hàng cây mang theo linh hồn của đô thị xanh.
Nếu như Xin-ga-po có diện tích cây xanh đến 30,3 m 2 /người, Xơ-un là 41 m 2 /người, thì hai đô thị đặc biệt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ khoảng 2m2 /người.
Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vào năm 1998 mới đạt khoảng 24%, đến năm 2009 là 29,6% và năm 2012 đã tăng lên 31,9%. Năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị, năm 2012 đã tăng lên 765 đô thị và đến tháng 12-2013, tăng lên thành 770 đô thị. Nghịch lý là, cùng với tốc độ đô thị hóa cao, hệ thống cây xanh ở khu vực này ngày càng thiếu hụt nghiêm trọng.