Với những mục đích trên, ngày 18/4/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 2309/KH-UBND về thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2023. Kế hoạch hướng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn với thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh.
UBND tỉnh đặt mục tiêu đưa chương trình xây dựng NTM tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, phấn đấu số hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đạt 90% đối với cấp tỉnh, cấp huyện 80% và cấp xã 60%. Tất cả xã NTM và xã NTM nâng cao năm 2023 đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông. Xây dựng thí điểm ít nhất 5 xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội, như kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa, cải cách hành chính, an ninh trật tự... Phấn đấu tất cả xã NTM kiểu mẫu năm 2023 có ít nhất 1 mô hình thôn NTM thông minh...
Thực hiện đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh ưu tiên giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đa dạng hóa hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số.
Cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số; cung cấp và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng wifi internet miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn…), các nền tảng số; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, internet băng thông rộng...
UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn của Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển HTX tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị ổn định; xây dựng mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Ứng dụng, đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho nông sản...
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ở HTX nông nghiệp công nghệ cao của chị Diệp Thị Thảo Trang xã Bình Dương
Chuyển đổi số trong xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ mới, có nhiều lợi ích, song cũng được đánh giá là nhiệm vụ khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Do vậy, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số như: Các cổng thông tin điện tử (website), mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM với việc tăng cường xây dựng và áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng internet không dây (wifi) miễn phí khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn). Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường ứng dụng trực tuyến, công nghệ thực tế ảo trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM. Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương.