Chi tiết tin

A+ | A | A-

XEM NGƯỜI MÀ NGẪM VỀ TA

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:18 | 13/02/2015 Lượt xem: 1122

Thăng Bình là huyện nông nghiệp, đất rộng, người đông. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế xã hội vẫn đang ở điểm xuất phát thấp. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đối với người nông dân. Vậy phải làm gì để bứt phá, vươn lên cho bằng chị bằng em trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập như hiện nay quả là bài toán khó, cần phải có lời giải. Mới đây huyện đã tổ chức buổi hội thảo “Phát triển tiểu, thủ công nghiệp, làng nghề giai đoạn từ nay đến 2015 và 2016 đến 2020”, qua đó đã gợi mở nhiều điều cần phải suy ngẫm.

Xem người ta

          Tại Hội thảo, một vị khách mời khá đặc biệt, đó là ông Đỗ Trung Hải, vừa là Bí thư Đảng ủy, vừa là Chủ tịch xã Minh Khai, huyện Hoài Đức - Hà Nội đã phán một câu đáng ngẫm: “Vừa đến Thăng Bình tôi chợt thấy người dân ở đây mộc mạc, chân thành, chịu thương chịu khó. Tuy nhiên, được biết toàn huyện Thăng Bình thu ngân sách một năm đạt quá thấp, chỉ xấp xỉ bằng nguồn thu một xã của huyện Hoài Đức thôi”. Và ông Hải cho biết: xã Minh Khai chỉ có hơn 192 ha đất nông nghiệp, với số dân 5950 khẩu. Bình quân mỗi nhân khẩu chỉ có gần một phần hai sào đất bắc bộ. Nhưng thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt đến hơn 39 triệu đồng/một năm. Số hộ khá và giàu, thu nhập một năm từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng chiếm đến 70%. Và số hộ nghèo hiện nay cũng chỉ còn 1,7%, không còn hộ đói. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy. Đó là một “thái độ dứt khoát không chịu bó tay bằng lòng với thực tại” - ông Đỗ Trung Hải nói. Qua quá trình thực tế sản xuất người ta đã tạo ra một cơ cấu kinh tế phù hợp với xu thế thời đại: công nghiệp: 74,8%, thương mại - dịch vụ: 19,3%, và nông nghiệp chỉ bằng 5,9%; tương ứng với giá trị công nghiệp là 709 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ: 183 tỷ và nông nghiệp chỉ tạo ra giá trị 56 tỷ đồng, để có một tổng giá trị kinh tế một năm gần 949 tỷ đồng.

          Nói về lịch sử phát triển làng nghề của xã Minh Khai quả là một câu chuyện dài. Cách đây hơn một nghìn năm, khi danh tướng Phạm Đông Nga giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, trong một chuyến chu du qua xã, thấy người dân ở đây cần cù, chịu khó, Ngài đã ở lại và truyền nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Từ đó nhân dân có công ăn, việc làm ổn định, đời sống ấm no và nay trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành một trong những nghề truyền thống ở địa phương. Nhưng, mãi đến những năm 1960 của thế kỷ 20, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, qua kinh nghiệm thực tiễn từ sản xuất tinh bột dong bán ra thị trường một số hộ gia đình đã sáng tạo ra sợi miến hấp chín như ngày nay. Vào những năm 1980 đến 1990, Minh Khai lại có thêm nghề mới, đó là chế biến bún, phở khô từ gạo tẻ. Và sau đó không lâu xuất hiện nghề tách vỏ đậu xanh, sản xuất bánh kẹo các loại.v.v… Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong cả nước mà còn xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.

          Đến nay, qua thống kê xã Minh Khai có gần 600 hộ sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, gồm các nghề làm miến dong, bún, phở khô, bột sắn thô, tinh; sản xuất bánh, kẹo, bim bim; đậu xanh tách vỏ, nha; cơ khí các loại.v.v… Điều đáng nói nhất là xã Minh Khai đã thường xuyên cập nhật thay đổi công nghệ sản xuất, mẫu mã hàng hóa để tăng tính cạnh tranh trên thương trường. Trong xã đã có các xí nghiệp cơ khí cung cấp một phần máy móc, thiết bị chế biến nông sản cho các làng nghề. Ngoài các ngân hàng nông nghiệp, thương mại trong khu vực, xã còn hình thành và phát triển một quỹ tín dụng nhân dân với số vốn lên đến 300 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho các làng nghề hoạt động. Ngoài ra, Minh Khai còn tổ chức tốt việc liên kết các làng nghề để tìm đầu ra cho sản phẩm, cung cấp nguyên liệu đầu vào và cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời các loại sản phẩm đều đăng ký thương hiệu để được sự bảo hộ của nhà nước. Nhờ vậy, vào năm 2001 xã Minh Khai đã được UBND tỉnh Hà Tây công nhận danh hiệu “Làng nghề chế biến nông sản”.

          Ngẫm lại mình...

          Thật ra, toàn Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình đã và đang có nhiều băn khoăn, trăn trở, tìm mọi cách phát triển kinh tế - xã hội; Trong đó có kinh tế tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Hội đồng nhân dân huyện khóa IX đã ra Nghị quyết số 39/2007/NQ-HĐND về phát triển CN - TTCN - Làng nghề huyện Thăng Bình giai đoạn 2010- 2015, và Kết luận số 44-KL/HU, ngày 30/12/2013 của Huyện ủy Thăng Bình về đẩy mạnh phát triển CN - TTCN - Làng nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị ngành CN - TTCN - Làng nghề nông thôn trong tổng giá trị sản phẩm của nền kinh tế… Và trong những năm qua giá trị sản phẩm làng nghề, tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn huyện chiếm khoảng 20% giá trị công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp; giải quyết việc làm cho hơn 4000 lao động tại địa phương. Nhiều làng nghề hình thành và hoạt động có hiệu quả, như: Làng rau Hưng Mỹ Bình Triều; làng nghề nước mắm Cửa Khe, Bình Dương; làng Hương, thị trấn Hà Lam; làng nghề đan tre Bình Phục, Bình Quế. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở may gia công, giày da, chế biến bún, phở khô, gia công chế biến thủy sản… Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất vẫn còn quá thủ công, công nghệ lạc hậu, nên hiệu quả kinh tế không cao, giá trị ngày công lao động chỉ từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

          Nói về những yếu kém của sản xuất làng nghề trong huyện, ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: sản phẩm làng nghề làm ra nhiều, nhưng còn mang yếu tố tự phát nên không chiếm lĩnh được thị trường. Người sản xuất chưa thay đổi được nhận thức, còn tư duy theo lối sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Cơ quan chủ quản chưa tham mưu thực hiện được quy hoạch, chưa có dự án chiến lược, chưa liên kết được 4 nhà: nhà sản xuất, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để hỗ trợ vốn, công nghệ, và tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh các cơ chế chính sách chưa đủ sức hấp dẫn người đầu tư, huyện nhà lại không tổ chức được các tổ chức tín dụng nhân dân, quỹ góp vốn quay vòng .v.v… để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất…

           Để tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất làng nghề, trước mắt phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX: “Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến; mở rộng các ngành nghề nông thôn và các ngành nghề truyền thống của địa phương”. Vấn đề đặt ra là phải làm tốt khâu quy hoạch, lập các dự án khả thi với những bước đi thích hợp, như: quảng bá, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; liên kết 4 nhà để hỗ trợ vốn, công nghệ, thị trường, đăng ký thương hiệu và thực hiện quy chế cạnh tranh lành mạnh, thông qua các tổ chức như: Ban quản lý làng nghề, tổ hợp tác, quỹ tín dụng, đẩy mạnh công tác khuyến công, v.v…

Việc trồng cây gì, con gì để phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân còn cần phải xét đến các yếu tố về thời tiết, khí hậu, độ ẩm, v.v… như phân tích dự báo của Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Kim Lợi tại Hội thảo “xây dựng giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giai đoạn 2015 đến 2020” của huyện Thăng Bình vừa qua; Đó là nhiệt độ có xu hướng nóng lên; lượng mưa trung bình tăng và rãi đều trong năm. Lụt, bão cũng nhiều và tàn khốc hơn. Cũng vẫn là cây lúa làm chủ lực. Sau đó là các loại cây khoai lang, sắn, đậu phụng, mè, con bò, con trâu là những loại cây con đã từng được người nông dân kiểm nghiệm. Gần đây mới phát triển thêm giống tôm nuôi trên vùng cát ven biển và cây cao su ở vùng Tây. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của nó cũng chưa được khẳng định chắc chắn và vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và hậu quả về môi trường. Đúng như Phó Giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Bình, trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nhận định: “Người Thăng Bình rất giỏi, nhưng sao vẫn cứ nghèo. Và một khi nông phẩm được tung ra thị trường thì người nông dân bao giờ cũng bị thiệt nhiều nhất”. Qua đó, thiết nghĩ việc chọn lựa các loại cây, con chủ lực không phải là vấn đề khó. Điều quan trọng là cách thức tổ chức sản xuất như thế nào để đem lại hiệu quả lớn. Hơn ai hết là tìm mọi cách để vận động, lôi kéo người nông dân thông qua phát triển các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản, trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa mà nguyên liệu đầu vào do chính mình cung cấp, để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển.

          Đã biết được người, biết ta, thiết nghĩ trong thời gian tới huyện nhà sẽ làm được nhiều điều có ý nghĩa cho kinh tế làng nghề ở nông thôn, phấn đấu đến năm 2015 đưa giá trị công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp chiếm 35% tổng giá trị nền kinh tế toàn huyện; trong đó giá trị tiểu, thủ công nghiệp và làng nghề chiếm 30% giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm mỗi năm từ 300 đến 500 lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nông nghiệp, nông dân và nông thôn./.

Tác giả: ĐẶNG AN

Nguồn tin: Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031417346