Chi tiết tin

A+ | A | A-

NÔNG THÔN MỚI THĂNG BÌNH - 4 NĂM NHÌN LẠI.

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:15 | 13/02/2015 Lượt xem: 1057

Mục tiêu của Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới là xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, nâng cao năng lực lãnh đạo của hệ thống chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Trong thời gian qua huyện Thăng Bình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Đến nay, huyện đã tổ chức được 21 lớp tập huấn xây dựng nông thôn mới với hơn 10.000 cán bộ xã, thôn tham gia; thường xuyên tuyên truyền xây dựng nông thôn mới đến cộng đồng dân cư ở 118 thôn trên địa bàn huyện; xây dựng hơn 500 chuyên mục phát thanh tuyên truyền các chủ trương chính sách về xây dựng nông thôn mới, các bản tin về xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng cánh đồng mẫu. 100% số xã đã được phê duyệt Đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm, Đề án xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn và tổ chức thành công Lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bộ máy thực hiện quản lý, điều hành Chương trình từ huyện, xã, thôn thường xuyên được củng cố, kiện toàn cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Từ nhiều nguồn vốn, các xã xây dựng hơn 34,6 km giao thông nội đồng, xây dựng hơn 164 km giao thông nông thôn, 53 km đường ĐH bức xúc; 19,8 km kênh ống nhựa; 35,35 km kênh nội đồng. Toàn huyện có 40/74 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 54% (năm 2010 chỉ có 15 trường), một số xã đạt cao như Bình An (4/4 trường), Bình Nguyên (3/3 trường), Bình Tú (3/4 trường); Bình Trị (3/3 trường), Bình Lãnh (3/3), Bình Đào (2/3 trường), Bình Triều (3/4 trường), Bình Giang (3/4 trường). Có 8/21 trạm y tế đạt chuẩn, công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng theo từng năm ở các địa phương. 100% số hộ trên địa bàn huyện sử dụng điện lưới quốc gia; 60/132 thôn đạt thôn, tổ văn hóa, chiếm 45,4% tổng số thôn, tổ dân phố, Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2014 chỉ còn 8,4 % (năm 2010 là 17,39%), tiêu biểu như Bình Tú, Bình Trung, Bình Chánh; một số địa phương có thu nhập bình quân đầu người đạt tiêu chí nông thôn mới, như: Bình Tú đạt hơn 21 triệu đồng/người/năm, Bình An đạt hơn 21,3 triệu đồng/người/năm, Bình Chánh đạt 21,1 triệu đồng/người/năm, Bình Quý đạt 21 triệu đồng/người/năm.    

          Môi trường ở khu vực nông thôn đã được cải thiện đáng kể, có 22/22 xã, thị trấn đã triển khai đề án thu gom rác thải, nghĩa trang nhân dân được quy hoạch, người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%, các chương trình giảm ô nhiễm môi trường được áp dụng như xây dựng hầm Bioga, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, hình thành các khu giết mổ tập trung.

 Hệ thống tổ chức chính trị, xã hội luôn được huyện quan tâm với việc thực hiện kế hoạch đào tạo hằng năm, khuyến khích cán bộ tham gia các lớp đào tạo hệ vừa học vừa làm, đào tạo sau đại học; toàn huyện có 88% cán bộ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định, là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn những năm qua cơ bản ổn định, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, việc quản lý điều hành của Nhà nước.

Tổng nguồn vốn đã huy động là gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 37,9 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 27,8 tỷ đồng, ngân sách huyện 55,66 tỷ đồng, ngân sách xã là hơn 173,7 tỷ đồng; nguồn lồng ghép từ các chương trình dự án là gần 268,3 tỷ đồng và dân góp, huy động khác trên 726,3 tỷ đồng.

Đánh giá theo tiêu chí:

 Bình Tú là địa phương duy nhất cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Có 10 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí: gồm Bình An, Bình Giang, Bình Quý, Bình Định Bắc, Bình Chánh, Bình Trung, Bình Nguyên, Bình Đào, Bình Trị, Bình Sa. 10 xã đạt 6 - 9 tiêu chí gồm: Bình Dương, Bình Hải, Bình Lãnh, Bình Minh, Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Phục, Bình Triều, Bình Nam, Bình Quế. Bình quân trên toàn huyện 1 xã đạt được  9,95 tiêu chí.

Trong quá trình thực hiện chương trình, rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, địa phương nào có hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, xây dựng được phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng; cán bộ lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm thì việc triển khai thực hiện Chương trình theo Đề án được duyệt đạt được kết quả theo lộ trình đề ra, bộ mặt nông thôn mới ở nông thôn ngày càng thể hiện rõ nét.

Hai là, Chú trọng tốt công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, sâu rộng làm cho cán bộ, đảng viên và nhận thức sâu sắc về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì những địa phương đó có sự đồng thuận cao của cộng đồng dân cư và huy động được nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Ba là, vai trò đầu tàu gương mẫu, hạt nhân tiêu biểu là nhân tố tích cực trong phong trào quần chúng cần được chú trọng, động viên kịp thời để phát huy và nhân rộng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, xây dựng nông thôn mới cần nguồn lực hết sức lớn, việc huy động được nguồn lực phải đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình, như khai thác quỹ đất, nhân dân đóng góp, hiến đất, vật kiến trúc, kết nghĩa xây dựng nông thôn mới với các đơn vị, doanh nghiệp, mỗi việc làm của một doanh nghiệp thể hiện một dấu ấn thiết thực phục vụ lợi ích của toàn xã hội.

Trong thời gian đến cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

         Thứ nhất, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền và công tác thi đua xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức: hội thi, Panô áp phích, tờ rơi… Tăng số lượng, thời lượng phát thanh trên hệ thống phát thanh huyện, xã, nhân rộng những mô hình làm tốt tại các địa phương; làm cho người dân nhận thức rằng ‘‘mỗi nhà đạt nông thôn mới thì thôn đạt nông thôn mới và xã nông thôn mới”, để cho người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm và dân hưởng thụ”, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, huy động mọi nguồn lực để xây dựng chương trình một cách có hiệu quả.

       Thứ hai, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp, ban quản lý xã và Ban phát triển thôn: Thực hiện nội dung Quyết định 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của văn phòng điều phối giúp Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp.  

       Thứ ba, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn:

       - Thực hiện Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 15/9/2014 của UBND huyện về Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện.

       - Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp toàn diện. Thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa theo Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND, hỗ trợ cơ giới hoá trong nông nghiệp theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 17/11/2011, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 24/12/2012...

       - Quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đảm bảo tính bền vững, trong đó chú trọng quy hoạch xây dựng các cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung cho năng suất, sản lượng, chất lượng hiệu quả cao.

       - Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi, theo hướng tăng tỷ lệ sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn heo; trong đó phát triển chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học trên nền đệm lót sinh học; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành, tiến hành chăn nuôi tập trung, giết mổ tập trung đạt hiệu quả.

       - Phát triển cây cao su ở các xã vùng Tây theo Quy hoạch, trong đó tập trung phát triển cao su đại điền với diện tích 1.163 ha đã quy hoạch.

       - Mở rộng phương thức liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp với HTX, nông hộ nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp theo hướng tăng giá trị bán ra của nông sản.

       Thứ tư, phát triển nâng cấp hệ thống hạ tầng nông thôn:

       Trong 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới có đến 9 tiêu chí (từ tiêu chí 1 - 9) là các tiêu chí khi thực hiện cần phải có tiền, thật chí có tiêu chí cần rất nhiều tiền thì mới thực hiện được, trong khi đó nguồn lực đầu tư của nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế với nhu cầu của các địa phương; vì vậy chúng ta cần phải lồng ghép nhiều chương trình, dự án để triển khai thực hiện các tiêu chí, đồng thời cũng cần linh hoạt trong khi thực hiện cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, ví dụ như giao thông nội đồng chúng ta chỉ cần cứng hóa bằng cấp phối đá dăm để phục vụ đi lại, khi có điều kiện sẽ bê tông hóa, hoặc kênh mương nội đồng chỉ cần xây bằng gạch để giảm chi phí xây lắp, hay nhà văn hóa thôn, cần nâng cấp mở rộng những nhà văn hóa đã xây dựng trước đây, không nên đập bỏ để xây dựng mới. Mọi công trình trong xây dựng nông thôn mới nên đầu tư theo cơ chế đặc thù được quy định tại Quyết định 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xã có công trình nhân dân có việc làm, giảm đến mức thấp nhất chi phí mà công trình vẫn đảm bảo chất lượng.  

        Thứ năm, tiếp tục phát động, thực hiện phong trào thi đua rộng khắp:

        Thực hiện theo Quyết định 3016/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam về Ban hành tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng trong phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới’’ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

        Phát động phong trào thi đua rộng khắp trong xây dựng nông thôn mới đó là xã thi đua với xã, thôn thi đua với thôn, hộ thi đua với hộ để đạt được tiêu chí số 20 đó là tiêu chí “Sự hài lòng của người dân’’ trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 


Tác giả: Nguyễn Xuân Vũ, Phòng Nông nghiệp & PTNT

Nguồn tin: Bản tin Thăng Bình

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031168116