Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP huyện Thăng Bình đã phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; chú trọng những sản phẩm đặc trưng của địa phương; tích cực kiểm tra công tác vệ sinh ATTP; kiểm tra, ngăn chặn, tiêu hủy các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in và cấp tài liệu Sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình mỗi xã một sản phẩm- OCOP đến các xã, thị trấn và các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020. Xây dựng chương trình tuyên truyền về Chương trình OCOP phát trên sóng Truyền thanh - Truyền hình huyện. Tổ chức và giúp các chủ thể có sản phẩm OCOP qua các năm và sản phẩm tiền OCOP tham gia Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang năm 2020 tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tháng 7 năm 2020. Qua đó, đã phát hiện nhiều sản phẩm có tính hoàn thiện cao, hướng dẫn hồ sơ tham gia chương trình OCOP; đồng thời động viên khuyến khích những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để dự thi chương trình OCOP; tạo cơ hội quảng bá sản phẩm, tiềm năng thế mạnh địa phương, giao lưu học hỏi được các sản phẩm từ các địa phương khác. Chỉ đạo các xã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến toàn thể nhân dân và các chủ thể sản xuất được biết. Tổng số sản phẩm đã đăng ký đầu năm 2020 là 11 sản phẩm (trong đó có 03 sản phẩm của HTX, 01 sản phẩm của doanh nghiệp, 07 sản phẩm của hộ SXKD); hiện nay đã có 10/11 sản phẩm đã đưa vào triển khai thực hiện Phương án sản xuất kinh doanh, đạt tỉ lệ 90% khai so với ý tưởng đăng ký.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, các sản phẩm tham gia chương trình không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp, có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, triển khai thực hiện hỗ trợ theo chuỗi giá trị... Song song với việc phát triển sản phẩm, nhiều tổ chức kinh tế mới được hình thành và củng cố, phát triển hướng tới xu hướng của thị trường. Đa số các địa phương đã bám sát từng nội dung, kế hoạch triển khai Đề án để thực hiện theo chu trình OCOP. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ thể tham gia; cán bộ phụ trách chương trình OCOP của địa phương chưa tìm hiểu sâu về chương trình OCOP. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp, chủ yếu ở hình thức cơ sở sản xuất kinh doanh. Một số chủ thể thực hiện chương trình OCOP còn lúng túng trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và các hồ sơ minh chứng theo yêu cầu, chưa thật sự hiểu sâu về mục đích tham gia Chương trình OCOP là để minh chứng chất lượng của sản phẩm, làm tăng giá trị sản phẩm và đánh giá thương hiệu sản phẩm trên thị trường và còn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ…

(Ảnh: Cửa hàng OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bình Đào)
Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP huyện yêu cầu các địa phương tiếp tục hướng dẫn các chủ thể kinh tế hoàn chỉnh hồ sơ sản phẩm, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ minh chứng và mẫu sản phẩm để tổ chức thi phân hạng cấp huyện. Rà soát hồ sơ và kết quả thực hiện các nội dung của chủ thể, căn cứ các quy định của cơ chế hỗ trợ khuyến khích, thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ cho các chủ thể. Hướng dẫn các chủ thể thi phân hạng cấp huyện đạt 50 điểm trở lên tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và mẫu sản phẩm để dự thi phân hạng cấp tỉnh năm 2020. Tập trung tiêu chuẩn hóa, nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được công nhận trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ nâng cấp sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ở trong và ngoài huyện; ưu tiên huy động và bố trí các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nội dung của Chương trình.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản, có giải pháp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nông dân yên tâm sản xuất; đồng thời kêu gọi, tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các HTX, nông hộ để đầu tư và bao tiêu sản phẩm.