Thăng Bình là một trong sáu huyện, thị, thành phố ven biển của tỉnh Quảng Nam, có chiều dài bờ biển khoảng 25 km, đặc điểm là bãi ngang, không có cửa sông, cửa lạch. Dân số của 4 xã ven biển là 8.040 hộ/29.818 nhân khẩu, Nhân dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế và sự đầu tư của Nhà nước, đời sống Nhân dân khu vực ven biển của huyện từng bước được cải thiện. Nhất là sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X và Chương trình số 23-CTr/HU, ngày 28/8/2013 của Huyện ủy về thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tình hình kinh tế- xã hội địa bàn các xã ven biển đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí, vai trò của biển được nâng lên. Ngư dân đã quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, đóng tàu có công suất lớn vươn khơi, bám biển dài ngày, các mô hình nghiệp đoàn nghề cá, tổ đoàn kết đánh bắt trên biển đã hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Đến cuối năm 2018, toàn huyện có 592 tàu cá, trong đó tàu có công suất dưới 20cv: 385 chiếc; từ 20-90cv: 74 chiếc; từ 90cv trở lên: 133 chiếc (trong đó có 10 chiếc từ 800cv trở lên); thành lập 07 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển và 02 nghiệp đoàn nghề cá Bình Dương và Bình Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Ngoài ra, thành lập được 6 tổ hợp tác nghề cá hoạt động trong các lĩnh vực khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó: 4 tổ hợp tác chế biến thủy sản, 2 tổ hợp tác dịch vụ hậu cần...
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đã và đang triển khai nhiều dự án, hình thành các khu đô thị nghỉ dưỡng ven biển, tạo đà và nền tảng vững chắc vực dậy tiềm năng kinh tế biển trong những năm đến của huyện Thăng Bình như Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An, Khu du lịch An Thịnh, Khu du lịch Đạt Phương, Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An...
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển của huyện trong những năm qua chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa có quy hoạch tổng thể và chi tiết về phát triển kinh tế - xã hội các xã ven biển. Kinh tế biển phát triển chưa đồng bộ, chưa tạo ra nhiều cơ hội, môi trường thuận lợi thúc đẩy các nhà đầu tư và ngư dân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển; việc phát triển kinh tế biển chưa hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đạt thấp; sự liên kết giữa kinh tế biển với các ngành kinh tế khác thiếu chặt chẽ, hiệu quả còn thấp. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế như hệ thống bến cá, khu neo đậu tàu thuyền chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng tàu thuyền công suất nhỏ là phổ biến, chủ yếu hành nghề đánh bắt hải sản bãi ngang, hiệu quả chưa cao. Việc ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng, khai thác, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản chưa nhiều. Kết quả đào tạo nghề liên quan phục vụ phát triển kinh tế biển còn thấp; khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ của người dân còn nhiều bất cập...
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế biển đóng góp khoảng 15-20% giá trị kinh tế toàn huyện; kinh tế của 04 xã ven biển ước đạt 30 - 40% giá trị kinh tế toàn huyện. 100% số xã ven biển đạt chuẩn xã nông thôn mới (riêng Bình Minh đạt chuẩn đô thị loại V); phấn đấu huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới hiện có. Thu nhập bình quân đầu người của các xã ven biển gấp từ 1,3 lần trở lên so với thu nhập bình quân của huyện. Hoàn thiện việc sắp xếp và ổn định đời sống dân cư ven biển. Tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế biển; trong đó chú trọng đến quản lý và bảo vệ môi trường biển. Thực hiện tốt các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

(Ảnh: Tàu cá của ngư dân xã Bình Minh chuẩn bị vươn khơi)
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai, các sở ngành của tỉnh, các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm vùng Đông. Chọn lọc và tập trung đầu tư phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác bền vững lợi thế của từng địa phương; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại để hướng đến mục tiêu trở thành các trung tâm kinh tế hướng biển hoặc đô thị biển lớn mạnh về kinh tế biển.
Phát triển đa dạng các ngành sản xuất nông nghiệp; trong đó, thủy sản được xác định là ngành kinh tế chủ lực. Tập trung nghiên cứu và có định hướng cụ thể việc ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi, mô hình và phương thức sản xuất nông nghiệp mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đất ven biển. Phát triển đồng bộ kinh tế thủy sản cả về khai thác đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác vùng biển xa. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Hiện đại hoá công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; xây dựng một số đội tàu có công suất lớn tham gia khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Tranh thủ nguồn lực để đầu tư xây dựng bến cá Bình Minh, khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền xã Bình Dương; khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển đô thị đạt mục tiêu đề ra. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả gắn với tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển. Đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề trên cơ sở phát huy các tiềm năng của khu vực, thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của vùng miền, kết nối với các tuyến du lịch như Cù Lao Chàm, Hội An, Đà Nẵng, Huế... Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các tuyến giao thông ven biển; trục dọc và trục ngang trong vùng, hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy trên sông Trường Giang; kết nối giao thông thông suốt với vùng trung và vùng tây của huyện. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng ngành thủy hải sản, vùng nông nghiệp công nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu xuất khẩu.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển kinh tế biển phải đảm bảo sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; đồng thời, kết hợp các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng ven biển phù hợp với sản xuất, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đẩy mạnh quản lý toàn diện kinh tế biển; tuyên truyền phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và người dân; đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ, người dân làm nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.