
(Ảnh: Khẩn trương tu bổ kênh mương nội đồng đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp)
Những ngày này, nhân viên Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình khẩn trương phát quang bụi rậm, nạo vét bùn cát bị bồi lấp tại hệ thống các tuyến kênh thuộc đơn vị quản lý. Đoạn kênh N22 – 1 qua các xã Hương An, Quế Phú (huyện Quế Sơn) và xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình) đưa vào sử dụng đã lâu nên một số hạn mục xuống cấp, gây bồi lấp nghiêm trọng. Do đó, thời điểm hiện tại, việc tạo mặt bằng thông thoáng để dẫn nước tưới luôn được Chi nhánh thủy lợi Thăng Bình ưu tiên hàng đầu. Ông Phạm Luyến – Quyền Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Thăng Bình cho biết, ngoài việc nạo vét gần 500 m tuyến kênh N22 – 1, đơn vị đã tổ chức kiểm tra khảo sát gần 200 km ở các tuyến kênh khác trên địa bàn huyện, đảm bảo sau khi hồ Phú Ninh điều tiết nước về, nông dân các địa phương đều có nguồn nước để gieo sạ.
“Riêng đối với một số khu vực không chủ động nước tưới, đơn vị điều tiết nước thông qua các trạm bơm để người dân có nước sản xuất. Hiện Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình quản lý 6 trạm bơm, trong đó có 2 trạm bơm chống hạn gồm: An Lạc và Quế Phú, đến nay các trạm bơm đã được nâng cấp, tu bổ, sẵn sàng hoạt động để cung cấp nước cho người dân sản xuất” – ông Phạm Luyến thông tin.
Xã Bình Giang là một trong những địa phương nằm ở cuối hệ thống kênh nên việc chủ động nguồn nước luôn được địa phương quan tâm. Ông Võ Văn Tư – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang thông tin, năm nay, xã Bình Giang sản xuất trên diện tích 400 ha, trong đó có khoảng 300 ha lúa và trên 100 ha cây hoa màu. Trong khi chờ nguồn nước từ kênh chính Bắc Phú Ninh, địa phương vận động nông dân cày ải, phơi khô để đất tơi xốp, đặc biệt tích cực phối hợp với ngành thủy lợi để chủ động nguồn nước từ các trạm bơm.
“Là địa bàn nằm ở cuối kênh nên việc tiếp cận nguồn nước từ kênh chính Bắc Phú Ninh mất nhiều thời gian hơn các địa phương khác. Do vậy, chúng tôi sẽ triển khai sản xuất ở cuối kênh trước. Trong lúc chờ nguồn nước Phú Ninh về vào ngày 20.5 tới, chúng tôi đã phối hợp với chi nhánh thủy lợi để dẫn nước từ trạm bơm An Lạc để nông dân sản xuất kịp lịch thời vụ” – ông Tư cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ngoài việc chuẩn bị điều kiện tiên quyết đó là nguồn nước tưới, địa phương đang tích cực triển khai đến các ngành có liên quan trong việc chuẩn bị nguồn giống, thông báo, hướng dẫn nông dân sản xuất đúng lịch thời vụ, nhất là trên cây lúa. Theo kế hoạch, chậm nhất là đến ngày 10.6 tới, huyện Thăng Bình kết thúc đợt gieo sạ vụ Hè Thu nhằm chủ động thời gian thu hoạch trước mùa mưa bão.
Ông Hương cho biết thêm, đối với cây trồng cạn, tập trung tưới và sản xuất kịp thời vụ, đúng quy trình và thực hiện yêu cầu kỹ thuật đúng yêu cầu của từng loại cây. Ở những vùng không chủ động nước tưới, tập trung các phương án chống hạn, nạp vét ao đìa, sử dụng nước tiết kiệm ở một số trạm bơm. Riêng đối với cây lúa, ngoài việc chỉ đạo tập trung cho giống ngắn ngày - từ 90 - 95 ngày trở lại, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, UBND các xã hướng dẫn bà con nông dân sử dụng giống từ 2 – 2,5 kg/sào. Vì sạ sưa sẽ có hiệu quả tốt hơn như cứng cây, chống hạn, chống đổ ngã.
“Vụ Hè Thu năm nay, huyện Thăng Bình sản xuất với diện tích gần 10.000 ha, trong đó có khoảng 7.300 ha lúa và 2.500 ha cây hoa màu. Ngoài việc chuẩn bị các phương tiện sản xuất về thiết bị, phân bón, giống, bà con nông dân cần sản xuất theo các hướng dẫn của ngành chức năng về yêu cần kỹ thuật, cách chăm sóc, bón phân, phương án chống hạn, cũng như việc sử dụng nước tiết kiệm để vụ sản xuất đạt hiệu quả” – Ông Nguyễn Văn Hương nói./.