Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tạo động lực để phát triển công nghiệp

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 7:51 | 13/12/2018 Lượt xem: 7542

Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Thăng Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển công nghiệp. Do vây, ngành công nghiệp trên địa bàn huyện Thăng Bình có những bước phát triển đáng kể, giá trị sản xuất công nghiệp- xây dựng tăng theo từng năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trên 20%. Một số ngành công nghiệp chủ yếu là may mặc, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm- thủy hải sản,... đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Môi trường đầu tư được cải thiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp từng bước được qua tâm đầu tư.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp còn chậm, ngành nghề còn đơn điệu và chưa tạo được bước phát triển đột phá về phát triển ngành công nghiệp chủ lực, tạo ra giá trị gia tăng cao. Quy hoạch phát triển công nghiệp vẫn còn hạn chế. Công tác thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp tuy đã được tập trung, chú trọng nhưng kết quả đạt còn thấp so với yêu cầu. Kết cấu hạ tầng tại các Cụm CN hiện nay còn thiếu, chưa đồng bộ, một số Cụm CN chưa được đầu tư, chưa đáp ứng được các nhu cầu của doanh nghiệp. Trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt thấp 56,08%...


(Sản xuất gạch không nung ở Công ty TNHH MTV Sản xuất Nguyên Tâm)

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, huyện Thăng Bình đề ra nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung phát triển vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển công nghiệp và thực hiện liên kết giữa các vùng.

Đối với vùng Đông của huyện sẽ đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kết nối khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng về phía Thăng Bình (diện tích 285 ha) và khu công nghiệp Đông Quế Sơn mở rộng về phía Thăng Bình (250 ha). Hình thành trục các khu, cụm công nghiệp (Đông Quế Sơn - Hà Lam Chợ Được - Tam Thăng Tam Kỳ) thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí, điện tử, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ... ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”.

Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển, kết nối với Thành phố Hội An hình thành khu du lịch, dịch vụ sinh thái, giáo dục, nghỉ dưỡng...ven biển gồm các xã Bình Dương, Bình Minh,Bình Đào... Khai thác có hiệu quả đối với những dự án đã đi vào hoạt động (dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An). Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các dự án sắp triển khai (dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương - Đạt Phương; dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC; Khu vui chơi thể thao, giải trí, du lịch Bình Hải – BRG;...).

Tích cực phối hợp triển khai các dự án trong khu kinh tế mở Chu Lai sau khi được điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định 32/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó hình thành khu công nghiệp Đông Nam Thăng Bình (có quy mô 1.200ha, thuộc địa bàn các xã Bình Tú, Bình Trung, Bình Nam) với các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các ngành công nghiệp khác.

Đối với vùng Trung của huyện phấn đấu xây dựng Hà Lam thành đô thị loại 4. Kêu gọi đầu tư thúc đẩy phát triển đô thị mở rộng về hướng Đông và hướng Nam. Rà soát đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch chi tiết Cụm Công nghiệp Nam Hà Lam. Đẩy mạnh phát triển các cụm CN Hà Lam Chợ Được, Kế Xuyên-Quán Gò, kêu gọi đầu tư, ưu tiên cho các ngành CN nhẹ như may mặc, cơ khí ô tô, chế biến hàng gỗ cao cấp, chế biến thủy sản, chế biến nước giải khát các loại. Hình thành Khu công nghiệp Bắc Thăng Bình kết nối CCN Hà Lam Chợ Được đến KCN Đông Quế Sơn. Khớp nối quy hoạch KCN Đông Nam Thăng Bình thuộc định hướng quy hoạch của Khu kinh tế mở Chu Lai.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề: Tổ chức tốt thương hiệu Hương (nhang) Quán Hương và các làng nghề bánh truyền thống khác trong vùng, nhất là chuỗi giá trị hương cần được củng cố để bảo vệ giá trị di sản văn hóa làng nghề, sớm chấm dứt tình trạng pha trộn trong nhãn mác hương như hiện nay. Phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và phải gắn với Phát triển nông thôn mới.

Vùng Tây của huyện điều kiện kinh tế còn khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nhất là hạ tầng công nghiệp. Do đó, huyện tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để phát triển công nghiệp sạch; theo đó kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn GPMB, đầu tư hạ tầng để cho thuê lại đất, hoặc doanh nghiệp tự bỏ vốn GPMB, xây dựng nhà máy sau này khấu trừ lại trong nguồn kinh phí cho thuê đất. Kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông, tạo điều kiện lưu thông hàng hoá và nhu cầu đi lại của nhân dân. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp mới: Châu Xuân Tây (xã Bình Định Nam) với diện tích 50 ha, Rừng Lãm (10 ha), Dốc Tranh (10 ha); mở rộng cụm công nghiệp Quý Xuân (từ 6 ha lên 20 ha); nâng cụm công nghiệp Bình An (từ 10 ha lên 20 ha); ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động địa phương.

Hiện tại, có nhiều cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tại các cụm công nghiệp được huyện Thăng Bình vận dụng cho doanh nghiệp từ các cơ chế của Trung ương và của tỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất để xây dựng cơ bản, áp dụng thời hạn 11 năm. Đối với các nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp sẽ được miễn 100% tiền thuê đất. Đối với các dự án thuộc danh mục ưu đãi đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm. Huyện Thăng Bình áp dụng thuế suất ưu đãi với mức 10% trong thời hạn 15 năm. Doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế nhập khẩu…

Với những định hướng, giải pháp cụ thể trong công tác quy hoạch nêu trên cùng với những thuận lợi về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cộng với nguồn lao động dồi dào, sự nỗ lực của chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sẽ là cú hích lớn cho thành công của doanh nghiệp khi vào đầu tư trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian đến./.

Tác giả: Đông Anh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031190127