Vấn đề bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp được quan tâm; 100% các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường theo quy định; công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện định kỳ, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Đề án quản lý chất thải rắn tại 22/22 xã, thị trấn được UBND huyện phê duyệt, triển khai thực hiện và từng bước đem lại hiệu quả, việc thu gom rác thải từ các kiệt, hẻm thực hiện tại 125/132 thôn, tổ, dân phố đạt tỷ lệ 95%, tăng 82% so với năm 2013; chất thải nguy hại đồng ruộng được thu gom và hợp đồng xử lý; chất thải chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường xây dựng hầm biogas để xử lý,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: một số cụm công nghiệp chưa lập hồ sơ về môi trường, chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động; hầu hết các địa phương chưa tự cân đối thu chi khi triển khai đề án quản lý chất thải rắn do tỷ lệ hộ dân tham gia đóng phí còn thấp, ý thức tự giác phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn của các hộ dân còn hạn chế. Các cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình phát sinh mùi hôi nằm trong khu dân cư dễ phát sinh khiếu kiện, phản ảnh của người dân về môi trường,…gây khó khăn trong công tác quản lý về môi trường. Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cho công tác bảo vệ môi trường chưa chưa tương xứng, trong khi yêu cầu sự nghiệp bảo vệ môi trường ngày càng cao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền, một số ngành, địa phương tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế nhưng còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; một số địa phương chưa thực hiện tốt việc áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; một số cán bộ làm công tác môi trường cấp xã còn hạn chế về năng lực và trình độ do bố trí không đúng chuyên môn. Công tác xã hội hóa, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia bảo vệ môi trường chưa cao, hiện nay chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách Nhà nước…

Đoàn viên thanh niên xã Bình Quý tổ chức xây dựng đoạn đường tự quản về môi trường
Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, trong thời gian đến cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở coi công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng công tác giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học, nhằm tạo nhận thức sâu sắc cho học sinh và có hành động thiết thực bảo vệ môi trường.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình thu hút các dự án đầu tư. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng.
3. Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung,...) đối với các cụm công nghiệp còn lại. Chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Thực hiện quan trắc môi trường định kỳ hằng năm nhằm đánh giá diễn biến chất lượng môi trường.
4. Tập trung giải quyết các bất cập về công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình nằm trong khu dân cư. Tùy theo mức độ tác động đến môi trường, yêu cầu các cơ sở cam kết quá trình hoạt động đảm bảo môi trường hoặc buộc tạm ngừng hoạt động, di dời nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường. Ngành chức năng phối hợp với các địa phương xây dựng phương án, lộ trình di dời các cơ sở phát sinh chất thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường, hình thành các điểm tiểu công nghiệp với diện tích khoảng từ 2-3 ha cách biệt với khu dân cư theo quy hoạch của các địa phương.
5. Tiếp tục duy trì hiệu quả Đề án quản lý chất thải rắn; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ UBND các xã, thị trấn duy trì Đề án. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại, giảm thiểu rác thải tại hộ gia đình; phấn đấu đến năm 2020, có 95% hộ dân trên toàn địa bàn huyện tham gia đổ rác và nộp phí vệ sinh môi trường, tự giác phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn.
6. Đối với các dự án chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn trên địa bàn huyện cần bố trí phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vị trí, địa điểm chăn nuôi cần đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường đối với khu dân cư, trường học, bệnh viện, đường giao thông chính, nguồn nước mặt. Hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường xây hầm biogas, nhân rộng các mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
7. Nâng cao vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường. Mặt trận, hội, đoàn thể các cấp phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch liên tịch về bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai các mô hình tự quản bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng ở từng thôn, tổ, khu dân cư. Phát huy vai trò tích cực của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc giám sát vấn đề môi trường, giúp cho các cơ quan quản lý môi trường giải quyết kịp thời sự ô nhiễm môi trường ngay từ khi mới xuất hiện.
8. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường cấp xã, bố trí đủ cán bộ có năng lực từ huyện đến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường. Thường xuyên tập huấn trang bị những kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ môi trường cấp xã; ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.