Thăng Bình là một huyện nông nghiệp nên xác định Nghị quyết số 26-NQ/TW là Nghị quyết rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của huyện, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là điều kiện đảm bảo sự phát triển bền vững của địa phương, Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 15-CTr/HU, ngày 28/11/2008 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết, Kết luận của Huyện ủy, UBND huyện ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; tổ chức Hội thảo khoa học, mời các giáo sư, chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản tìm giải pháp phát triển ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016- 2020. Tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch, đề án sản xuất nông, lâm, thủy sản như: Đề án phát triển kinh tế thủy sản, đề án phát triển chăn nuôi, đề án củng cố HTX, đề án phát triển cây cao su...; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, hội, đoàn thể triển khai thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Từ việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn đã thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp năm 2017 là 1.739 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 4,1%. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp: trồng trọt 35,12%, chăn nuôi 28,16%, lâm nghiệp 6,2%, thủy sản 28,2%; thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 31,2 triệu đồng/người/năm (tăng 23,5 triệu so với năm 2008). Triển khai dồn điền đổi thửa được 6.182 ha, quy hoạch, xây dựng 09 cánh đồng mẫu, trong đó 08 cánh đồng sản xuất lúa, 01 cánh đồng sản xuất đậu phụng. Các cánh đồng mẫu sản xuất lúa qua 02 đến 03 vụ sản xuất đã cho năng suất tăng 10-15 tạ/ha. Cánh đồng đậu phụng năng suất tăng 4-5 tạ/ha. Tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, tỷ lệ cơ giới hóa từ 40% năm 2008 đến năm 2017 đạt 90%, tiến hành chỉnh trang lại đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi nội đồng để sản xuất được thuận lợi, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.
Huyện đã tiến hành quy hoạch khu chăn nuôi, khu giết mổ tập trung diện tích 141 ha, xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung nhằm từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Cùng với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển giống bò lai sind, lợn nái ngoại, các giống gia cầm cho năng suất cao, áp dụng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học và xây dựng hầm biogas nên năng suất và chất lượng ngày được nâng cao. Đánh bắt hải sản, mở rộng số lượng tàu đánh bắt vùng lộng và xa bờ, toàn huyện có 657 chiếc trong đó tàu từ 90CV trở lên 167 chiếc, sản lượng đánh bắt tăng từ 7.427 tấn năm 2008 lên 18.000 tấn năm 2017, tăng 10.573 tấn so với năm 2008. Sản lượng nuôi trồng chủ yếu là tôm nước lợ, sản lượng năm 2017 đạt 2.516 tấn, tăng 1.041 tấn so với năm 2008. Nhiều mô hình sản xuất khác cũng đem lại hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng hoa ly ly, mô hình rau sạch Mỹ Hưng, mô hình nuôi cá lóc trải bạc, mô hình làm bún khô, mô hình nuôi bò nhốt, các mô hình trồng nấm rơm, mô hình nuôi gà thả vườn, gà thả đồi… Các mô hình sản xuất thủ công như gỗ mỹ nghệ, rượu dừa, bánh đa nem, cao chè vằng…ngày càng phát huy hiệu quả, tạo được thu nhập ổn định cho người nông dân. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã được chú trọng, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng số 27/30 HTX hoạt động có hiệu quả, doanh thu hằng năm của các HTX bình quân khoảng 250 triệu đồng trong đó có HTX Bình Đào doanh thu cao nhất 4 tỷ đồng; 02 HTX đạt tiêu chí HTX điển hình tiên tiến của tỉnh là HTX NN Bình Đào và HTX NN Bình An 2. Đã thành lập mới được 21 Tổ hợp tác và củng cố chuyển đổi được 16 HTX.
Đặc biệt, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 47,6%, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn là 15,62 tiêu chí/xã. Đã xây dựng được 150.23 km đường ĐH, nhất là các tuyến ĐH bức xúc, nâng tổng số km đường ĐH được bê tông xi măng và thâm nhập nhựa là 229/299 km (đạt tỷ lệ 77%); đầu tư xây dựng 30km tuyến đường ĐX, nâng tổng số km đường ĐX được bê tông ximăng và thâm nhập nhựa là 155.7 km/204.87 km (đạt tỷ lệ 76%). Phong trào bê tông hóa giao thông nông thôn phát triển khá mạnh, từ năm 2009 đến nay có trên 300 km đường dân sinh được bê tông hoá, nâng tổng số đường dân sinh được bê tông hoá đạt 635/850,79km (đạt tỷ lệ 75%).
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, địa phương đã tập thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,19% năm 2008 xuống còn 6,24% năm 2017, bình quân hằng năm giảm 2,3%. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, bình quân hằng năm giải quyết việc làm được cho hơn 3.000 lao động. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52,27%; số lao động phi nông nghiệp 58,96%. Gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao của quần chúng nhân dân. Đến nay toàn huyện có 18 xã đã xây dựng nhà văn hóa, có 124/132 thôn, tổ dân phố đã xây dựng Nhà văn hóa - khu thể thao thôn, có 48 sân bóng đá đủ tiêu chuẩn, 13 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, 110 sân bóng chuyền (bê tông), 28 sân cầu lông (bê tông) phục vụ trong việc tập luyện và tổ chức thi đấu. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ GĐVH, thôn, tổ văn hóa, cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, tộc đạt danh hiệu Tộc văn hóa đều tăng so với năm 2008.

Mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Nghị quyết "tam nông"; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, nhân rộng các mô hình hợp tác sản xuất hiệu quả. Tập trung thực hiện linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để khơi dậy, phát huy những tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn... Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết giữa sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.