Chi tiết tin

A+ | A | A-

Giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai huyện Thăng Bình

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 13:53 | 12/10/2017 Lượt xem: 471

Với mục đích tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhằm xác định rõ tính pháp lý đến từng thửa đất. Trên cơ sở đó giúp cho việc quản lý hiện trạng vùng Đông của huyện được tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án sau này. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất triển khai đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 xã vùng Đông huyện Thăng Bình, đến đầu năm 2016 tiếp tục cho triển khai thêm 5 xã mới dọc Quốc lộ 1A và một phần xã Bình Nam còn lại.

Từ khi triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại các xã vùng đông huyện Thăng Bình đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Đối với 6 xã cũ: Tổng số hồ sơ dự án đã kê khai đăng ký: 21.025 hồ sơ; tổng số giấy chứng nhận đã ký duyệt 17.795 giấy, đạt tỷ lệ 84,64% toàn dự án. Đến nay tổng số giấy chứng nhận đã phát đến nhân dân 14.104 giấy, đạt tỷ lệ 79.26 % so với giấy chứng nhận đã ký duyệt. Đối với 6 xã mới tổng hồ sơ dự án cần phải thực hiện kê khai đăng ký dự kiến là 45.745 hồ sơ, đến nay đã kê khai đăng ký 41.150 hồ sơ, đạt tỷ lệ 89,95%. Đã viết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 13.830 giấy, đạt tỷ lệ 30,23% so với tổng hồ sơ dự án phải thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện dự án đến nay vẫn còn một số tồn tại, tiến độ còn chậm so với kế hoạch đề ra. Đối với 6 xã cũ hồ sơ đã kê khai đăng ký nhưng chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận vẫn còn nhiều: 3.884 hồ sơ. Nguyên nhân là do các hộ gia đình cá nhân chưa lập các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định. Bên cạnh đó vùng Đông Thăng Bình với đặc thù là đất cát, bờ vùng bờ thửa không rõ ràng, nhiều hộ gia đình cá nhân cùng sử dụng chung thửa, do vậy trong quá trình đo đạc cấp giấy theo Nghị định 64 đã đo bao, đo gộp, gây khó khăn cho việc xác định ranh giới sử dụng đất để cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 mà không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai thì hiện nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hơn nữa đến nay UBND tỉnh Quảng Nam chưa ban hành hạn mức đất nông nghiệp cho các trường hợp sử dụng đất sau ngày 1/7/2004, nên các trường hợp này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện nay số lượng giấy chứng nhận đã ký duyệt là 17.795 giấy, tuy nhiên mới phát đến hộ gia đình cá nhân là 14.104 giấy, đạt 79,26%. Nguyên nhân là do trong quá trình lập hồ sơ dự án, các đơn vị tư vấn chưa hướng dẫn nhân dân kê khai nộp thuế, do vậy hiện nay Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Thăng Bình phải phối hợp cùng UBND các xã để hướng dẫn nhân dân kê khai nộp thuế theo quy định trước khi phát hành giấy chứng nhận mới. Việc này mất rất nhiều thời gian, bên cạnh đó tại các xã vùng đông đang có nhiều dự án trọng điểm nên cán bộ địa chính phải dành phần lớn cho việc tập trung giải phóng mặt bằng, quản lý hiện trạng, chưa tập trung cao cho vấn đề này.

Đối với 5 xã đo mới hiện nay số lượng hồ sơ chưa kê khai đăng ký vẫn còn nhiều 4.595 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 10,05%; hồ sơ các đơn vị tư vấn chưa trình để Hội đồng tư vấn cấp xã thông qua còn nhiều: 5.482 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 11,98%. Theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam thì phải hoàn thành trước ngày 31/12/2017, do vậy thời gian còn lại của dự án rất ít, nhưng khối lượng công việc còn phải thực hiện quá nhiều, tỷ lệ giấy chứng nhận đã viết đến thời điểm hiện nay còn quá thấp, mới đạt 30,23% tổng hồ sơ toàn dự án.

          Trước thực trạng trên, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hoàn thành việc xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu và cấp giấy CNQSD đất tại các xã vùng Đông sông Trường Giang huyện Thăng Bình trước ngày 31/12/2017, ngoài việc xác định vai trò của Đơn vị Tư vấn- nhân tố chính, nhân tố quyết định trong việc hoàn thành dự án, UBND và ngành chuyên môn của huyện, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, Các địa phương cần phối hợp tích cực và thường xuyên với đơn vị tư vấn trong quá trình xác lập hồ sơ, kê khai đăng ký, để đảm bảo việc kê khai đăng ký và cấp giấy CNQSD đất cho nhân dân là chính xác, đúng đối tượng, đúng chủ sử dụng đất và đúng theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên theo dõi, bám sát kế hoạch thực hiện của đơn vị tư vấn. Trên cơ sở đó đôn đốc các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ của dự án, đồng thời có báo cáo kịp thời về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để UBND huyện biết và có chỉ đạo kịp thời.

Hiện nay các xã vùng Đông đang có nhiều dự án trọng điểm, do vậy khối lượng công việc của các đồng chí cán bộ địa chính cấp xã rất lớn, phải tham gia trực tiếp trong công tác quản lý hiện trạng, tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng... nên không đủ khả năng để xử lý kịp thời các hồ sơ do đơn vị tư vấn chuyển đến. Do đó UBND các xã cần xem xét, có giải pháp hợp lý, để đảm bảo bố trí cán bộ thường xuyên tham gia dự án cơ sở dữ liệu, tham mưu kịp thời cho Hội đồng tư vấn họp xét khi tiếp nhận hồ sơ của Đơn vị tư vấn chuyển đến. 

Hai là, Phòng Tài nguyên – Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai Thăng Bình tăng cường nhân lực, bố trí cán bộ để thẩm định hồ sơ kịp thời khi đơn vị tư vấn chuyển đến. Có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện dự án đối với các xã, đồng thời tổng hợp báo cáo UBND huyện hằng tuần, hằng tháng về kết quả thực hiện của đơn vị tư vấn cũng như các địa phương. Tham mưu UBND huyện có những chỉ đạo kịp thời, cũng như có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của ngành cấp trên để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Ba là, UBND huyện tổ chức họp Hội đồng theo Thông báo 160 của Thường vụ Tỉnh ủy để xét duyệt đối với các hồ sơ sử dụng đất trước ngày 18/12/1980. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các xã mới triển khai dự án trong năm 2016 đến nay, để các địa phương có kinh phí tổ chức họp Hội đồng tư vấn.

Bốn là, Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo đối với các địa phương có triển khai thực hiện dự án. Cấp ủy, chính quyền các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và là một trong những tiêu chí để xét tổ chức đảng trong sạch vững mạnh cuối năm và đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên năm 2017.

Hy vọng với những giải pháp cụ thể như trên, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ huyện đến xã sẽ góp phần hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn huyện đảm bảo tiến độ đề ra.

Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031203115