Chi tiết tin

A+ | A | A-

Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 9:24 | 28/08/2017 Lượt xem: 670

Những năm qua, kinh tế tư nhân ở huyện Thăng Bình giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách... Tuy nhiên, làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh và bền vững vẫn còn là bài toán khó của địa phương.

Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, huyện Thăng Bình đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và có nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế của huyện có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, các thành phần kinh tế phát triển về quy mô, tỷ trọng kinh tế có vốn nhà nước có xu hướng giảm, kinh tế tư nhân và hộ cá thể, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng lên; số lượng doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể thành lập mới tăng nhanh, bình quân mỗi năm có trên 380 cơ sở mới ra đời. Kinh tế hợp tác xã có bước phát triển, theo hướng củng cố, nâng cao chất lượng và giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển; xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị như: giao thông, thủy lợi...Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện, giảm thiểu thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, trên địa bàn huyện hiện có có 1.790 cơ sở kinh tế tư nhân đăng ký kinh doanh; trong đó: 260 đơn vị đăng ký hoạt động dưới loại hình công ty, 6 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư ngước ngoài, 27 đơn vị đăng ký hoạt động dưới loại hình doanh nghiêp tư nhân, 26 Hợp tác xã, 1.465 cơ sở đăng kinh doanh dưới loại hình hộ cá thể. Đây là khu vực kinh tế đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giá trị ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ khu vực kinh tế tư nhân năm 2016 đạt 5.480 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 34,6% tổng giá trị sản xuất toàn huyện; thu ngân sách từ khu vực kinh tế tư nhân là 51,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 28,08% trong tổng thu ngân sách huyện (183,72 tỉ đồng); giải quyết việc làm bình quân hơn 6.200 lao động/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hoạch định và thực thi các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của huyện vẫn còn hạn chế; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước khu vực kinh tế tư nhân còn thấp. Cải cách hành chính có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ. Môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp còn nhiều rủi ro. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Kinh tế tư nhân đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể, còn ít liên kết với nhau hoặc với kinh tế tập thể. Đa số doanh nghiệp đầu tư vào thương mại, dịch vụ, với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trước mắt; hoạt động trong phạm vi hẹp; chưa tạo được nhiều sản phẩm có uy tín, có thương hiệu trên thị trường...

Việc trang bị máy móc thiết bị mới từ nguồn kinh phí khuyến công

tạo thuận lợi cho việc sản xuất của các cơ sở trên địa bàn

Để khắc phục những hạn chế nêu trên và đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII“về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Trước hết cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, huyện tiếp tục thực hiện ba nhiệm vụ đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư giai đoạn 2016 – 2020. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, mang tính đột phá tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề, du lịch đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, kinh doanh với hạ tầng kinh tế - kỹ thuật: giao thông, điện, đô thị, cấp thoát nước, xử lý chất thải, dịch vụ hậu cần... Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm các thủ tục cho doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện. Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 25-KH/HU của Huyện ủy thực hiện Kết luận số 25-KL/TU ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy về định hướng và giải pháp triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam của tỉnh. Tăng cường phối hợp đồng bộ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai với các ngành, các địa phương trong công tác quản lý hiện trạng, quản lý quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trọng điểm để đáp ứng kịp thời yêu cầu cần thiết của nhà đầu tư.

- Bên cạnh đó cần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực: đất đai, tài nguyên, lao động... một cách minh bạch, bình đẳng phù hợp với cơ chế thị trường, thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh lành mạnh, được tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm và được đối xử bình đẳng về mọi phương diện theo quy định của pháp luật. Thành lập và phát triển da dạng các loại hình doanh nghiệp của tư nhân; khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.

- Phát triển, nhân rộng phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, tích cực liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại có quy mô lớn. Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

- Tập trung nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cán bộ, công chức, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

- Nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Chỉ đạo các phòng ban, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, tạo quỹ đất sạch để phục vụ nhà đầu tư.

- Hoàn thiện và công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, cơ sở dữ liệu, văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế, chính sách quản lý để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận khai thác và sử dụng. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

- Kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đồng thời kiên quyết xử lý những lệch lạc, sai phạm của kinh tế tư nhân nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh.

Tác giả: Trung Hiếu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031203304