Xác định việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, là điều kiện cơ bản tiên quyết để phát triển huyện theo hướng công nghiệp. Sau khi ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Huyện ủy và kế hoạch của UBND huyện thành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.
Trong 5 năm qua (2012-2016), huyện đã tăng cường huy động mọi nguồn lực và có nhiều giải pháp huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng, chú trọng các hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, tổng nguồn vốn huy động đầu tư là 847 tỷ đồng. Tập trung thực hiện công tác quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có phân kỳ đầu tư, ưu tiên đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, mang tính đột phá và có tác động lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Đầu tiên phải kể đến là giao thông, nhiều tuyến giao thông được nâng cấp, xây dựng mới, toàn huyện đã kiên cố hóa được 415 công trình đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài 196,2km, với tổng kinh phí 124.786,3 triệu đồng; xây dựng được 18 tuyến ĐH dài 125 km với tổng mức 211,86 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã đầu tư các tuyến giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, làng nghề, du lịch như: tuyến đường vào làng nghề nước mắm Cửa Khe-xã Bình Dương; các trục đường chính cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được; cơ cấu vốn đầu tư hạ tầng giao thông chiếm gần 60% tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2012-2016.

Cầu Xuân An nối đôi bờ sông Ly Ly được xây dựng với tổng kinh phí 21,6 tỷ đồng
Giao thông- thủy lợi phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng phát triển đáng kể. Các công trình thủy lợi phần lớn đã được nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới, bảo đảm chủ động tưới, tiêu, nâng diện tích chủ động nước tưới đạt 70% so với diện tích canh tác, diện tích sản xuất lúa được tưới đạt tỷ lệ 95% so với tổng diện tích sản xuất lúa; kiên cố được 78,75 km kênh mương nội đồng. Tranh thủ nguồn vốn từ chương trình biến đổi khí hậu và các chương trình khác đầu tư các trạm bơm lớn như: Trạm bơm Tứ Sơn, Trạm bơm Quế Châu - Xuân An; Trạm bơm Thọ An; Trạm bơm Vinh Nam; Trạm bơm tổ 12 Bình Xá - Bình Quế, Trạm bơm Tổ 2 Phước Hà. Đầu tư nâng cấp hơn 30 công trình thủy lợi lớn và nhỏ và xây dựng 10 ao thu gom nước nhĩ tại các xã vùng Đông.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, các thị tứ, các cụm công nghiệp, y tế, giáo dục từng bước được đầu tư, kiên cố hoá, nâng cấp, xây mới đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh; hạ tầng về phát triển du lịch, thông tin, văn hóa; bưu chính viễn thông phát triển khá, được trang bị hiện đại đảm bảo thông tin thông suốt…Hệ thống trường, lớp học trong thời gian qua được đầu tư lồng ghép các nguồn vốn, chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và các nguồn vốn tài trợ khác; song song đó, hằng năm ngân sách huyện bố trí khoảng 05-10 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp một số trường học, phòng học, thay thế phòng học bị xuống cấp, hư hỏng. Ngoài việc đầu tư xây dựng Trung tâm y tế huyện do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, UBND huyện đã đầu tư xây dựng mới một số Trạm y tế tại các xã: Bình Quế, Bình Phục, Bình Phú, Bình Định Bắc... Huyện đã lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng bãi tắm xã Bình Minh và các khu du lịch sinh thái. Phối hợp với các sở, ban, ngành ở tỉnh tập trung quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng khu di tích phật viện Đồng Dương và quy hoạch phát triển du lịch ở các xã vùng đông. Mở rộng Khu tưởng niệm các AHLS huyện với tổng mức đầu tư 28,5 tỷ đồng, nâng cấp tượng đài cuộc đấu tranh Hà Lam-Chợ Được với tổng mức đầu tư 2,4 tỷ đồng; tượng đài chiến thắng Đồng Dương tổng mức 16 tỷ đồng; đầu tư xây dựng nâng cấp một số nghĩa trang liệt sỹ xã; tiếp tục quy hoạch và xây dựng các khu nghĩa trang nhân dân các xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và phục vụ cho các dự án trọng điểm ở vùng Đông trên địa bàn huyện...

Diện mạo đô thị Hà Lam hôm nay
Việc phát triển hạ tầng thị trấn Hà Lam, các thị tứ và hạ tầng các cụm công nghiệp luôn được quan tâm, trong giai đoạn 2012-2016, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thị trấn Hà Lam và phấn đấu để đạt đô thị loại IV vào năm 2020. Tiếp tục hoàn thành và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thị trấn Hà Lam. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông ở nội thị thị trấn như tuyến: Nguyễn Thuật, Nguyễn Hiền, Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, đường 3/2… Đầu tư xây dựng Khu công viên Bàu Hà Kiều; đã bê tông hóa, nhựa hoá được 8,3 km 09 tuyến đường nội thị thị trấn Hà Lam, tổng mức đầu tư 24,636 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, một số dự án trọng điểm, quan trọng chưa được đầu tư theo đúng kế hoạch của Nghị quyết số 06; công tác quy hoạch thực hiện còn chậm, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi còn chưa đồng bộ; một số công trình nước sạch đầu tư kém hiệu quả nhưng chưa có biện pháp khắc phục; một số công trình thi công chậm tiến độ, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản còn lỏng lẽo, chất lượng, hiệu quả sử dụng còn thấp; việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng phát triển đô thị thị trấn Hà Lam còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu; kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp còn thiếu nhiều so với yêu cầu chung, chưa tạo động lực để kêu gọi, thu hút đầu tư; việc huy động các nguồn lực xã hội hoá phục vụ cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn gặp khó khăn...
Thời gian đến, huyện sẽ ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn chỉnh các tuyến giao thông huyện, xã đảm bảo khớp nối với các tuyến giao thông ĐT và Quốc lộ 1A, 14E đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và phục vụ nhu cầu dân sinh, phấn đấu đến năm 2020 đầu tư hoàn thành các tuyến đường ĐH, tuyến giao thông liên xã Bình Đào- Bình Dương; tuyến giao thông nối từ đường 129 (Bình Sa) đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, tuyến đường 3/2 đi Quốc lộ 14E; tuyến cứu nạn cứu hộ vùng Trung từ Quốc lộ 1A - Bình Quý (ga Phú Cang) và các tuyến nội thị TT Hà Lam. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh để phối hợp triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn và kết nối giao thông các khu dân cư. Đồng thời đầu tư các tuyến phục vụ phát triển công nghiệp, làng nghề, du lịch và các tuyến giao thông nông thôn phục vụ dân sinh và sản xuất, chú trọng hỗ trợ đầu tư để đảm bảo đạt chỉ tiêu 70% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020...
Để hoàn thành các mục tiêu trên thì các giải pháp đưa ra chủ yếu, đó là: Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng các công trình. Tập trung mọi biện pháp huy động các nguồn lực, trong đó chú trọng công tác xã hội hóa với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên bố trí cho những dự án, công trình mang tính đột phá, có sức lan toả lớn, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững. Tranh thủ các nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các dự án của Trung ương, tỉnh, từ các chương trình mục tiêu của Chính phủ để đầu tư cơ sở hạ tầng. Triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư; làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, chính sách và môi trường đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của huyện, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Tiếp tục thực
hiện Nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả đến năm 2020;
tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, mang tính đột phá, tạo động lực phát triển
kinh tế- xã hội. Do đó, việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đã đang và sẽ trở thành động lực, mở
ra nhiều cơ hội thuận lợi để Thăng Bình tiếp tục phát triển trong những năm đến.