Men theo con đường đất cát đến thôn Ngọc Sơn Tây để tìm đến nhà anh Mai Văn Ba. Anh chàng này không chỉ được biết đến với khả năng viết thư pháp làm say đắm long người mà còn có khả năng sáng tạo rất tinh tế. Bên tách trà ấm những ngày tháng chạp, cùng những sản phẩm đang làm gian dở để kịp giao cho khách, anh Ba tiếp đón chúng tôi với nụ cười phúc hậu. Anh cho biết: “Vào những ngày cận tết, khách đặt rất nhiều hàng, và hiện tại đang… cháy hang”. Sản phẩm mà chúng tôi muốn nói đến ở đây được làm qua bàn tay tài hoa của anh Ba, chính là từ những quả bầu hồ lô được anh Ba thổi hồn thành những bình đựng rượu hồ lô tuyệt đẹp. Nhìn những bình rượu hồ lô này, chúng ta có cảm giác chỉ có trong phim dã sử của Trung Quốc mới có, và cũng sự xa xưa đó, những sản phẩm độc đáo này đã được rất nhiều thập khách ưa chuộng.
Anh Ba chia sẻ, để tạo nên một bình đựng rượu hồ lô thư pháp không phải là điều dễ dàng. Anh lý giải, ngay cả khâu chọn quả bầu đã khó, đặc biệt là viết thư pháp lên thân bầu. Để có được những quả bầu hồ lô đảm bảo chất lượng, ngay từ tháng 3 anh đã bắt đầu gieo bầu và làm giàn cho cây leo. Sau đó, sẽ chăm sóc cho đến khi bầu ra quả. Thời điểm ra quả cực kỳ quan trọng. Theo như lời anh Ba, không phải chúng ta cho ra nhiều quả là được, mà mỗi dây bầu chỉ tầm 4 quả là vừa, vì càng nhiều quả, chất lượng vỏ sau này sẽ không được đảm bảo. Cái khó nhất ở thời điểm bầu ra quả là đừng để ong đốt, nếu ong đốt quả nào thì quả đó sẽ hỏng ngay. Sau khi bảo vệ được quả, cứ như thế sẽ để cho quả thật già cho đến khi gốc bầu bị héo, tức quả đã khô lại. Lúc này anh Ba sẽ hái quả xuống để bắt đầu niềm đam mê của mình. Thông thường anh Ba sẽ canh thời điểm thích hợp nhất để hài hòa thời gian hái quả, miễn sao đúng vào dịp tết, vì vào thời điểm này, lượng khách hàng đặt mua rất lớn.
Sau khi quả đã được hái xong, anh Ba sẽ tiến hành phân loại, sắp xếp lại với nhau để những công đoạn sau được thuận lợi hơn. Cầm những quả bầu hồ lô chứa đầy hạt, chúng tôi thắt mắc, làm sao để có thể lấy hết hạt trong quả bầu ra ngoài mà vẫn giữ nguyên hiện trạng thân quả thì anh Ba liền giải thích: “Khâu quan trọng nhất ở thời điểm này là lấy hạt. Nếu không muốn phá vỡ một quả bầu hồ lô nguyên trạng thì khâu lấy hạt phải thật sự tỉ mỉ và chịu khó. Khâu lấy hạt, mình sẽ cắt đỉnh quả, sau đó cho nước vào để ngâm, tầm 5 ngày, hạt và những thứ khác trong ruột bầu sẽ được cho ra ngoài sạch sẽ. Lúc này sẽ được mang đi phơi cho đến khi bầu hồ lô đủ độ cứng”. Tiếp sau đó, những quả bầu hồ lô sẽ khoát lên mình một màu áo mới với những bức tranh thư pháp được viết, vẽ đầy tinh tế và sáng tạo. Để có được một bức tranh thư pháp tuyệt đẹp trên thân bầu, đó là cả một quá trình khổ luyện của anh Ba, đặc biệt là niềm say mê đối với bộ môn này. Nội dung được viết trên thân bầu là những ca dao, thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn, triết lý cuộc sống, tất cả đều được gửi gắm một thông điệp hướng đến cuộc sông tươi đẹp cho mọi người.
Khi được hỏi về cơ duyên nào đưa đến việc say mê bộ môn này, anh Ba cho biết cũng là sự tình cờ, muốn tạo nên một sản phẩm gì đó có chút mới lạ. Thật sự thì lúc đầu mới làm cũng gặp không ít khó khăn, phải qua 2, 3 vụ mới rút ra kinh nghiệm để làm tiếp những vụ sau. Dịp tết năm nay, ngay từ giữa tháng chạp anh đã xuất sản phẩm gửi khách hàng với 500 bình hồ lô, với giá bán dao động từ 70 đến 100 nghìn đồng, đây là nguồn thu nhập không nhỏ của anh Ba trong dịp tết.
Mặc dù đã có công ăn việc làm ổn định tại một công ty trên địa bàn huyện, nhưng cứ mỗi độ tết đến xuân về, anh Mai Văn Ba lại tiếp tục với niềm đam mê chơi chữ, đem sự sáng tạo của mình để thổi hồn bên những bình bầu hồ lô. Một sản phẩm cho chúng ta cảm nhận về sự xa xưa, và có gì đó thật phiêu lãng. Ngày tết trao nhau những tiếng cười, lời chúc mừng năm mới, được nhâm nhi bên bình rượu hồ lô thì còn gì bằng./.