BTV: Xin đồng chí vui lòng cho biết một số chủ trương, định hướng lớn về phát triển kinh tế- xã hội ở vùng Đông của huyện giai đoạn từ nay đến năm 2020?
Đồng chí Phan Công Vỹ: Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu là xây dựng và phát triển vùng Đông trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và của huyện. Để thực hiện mục tiêu trên, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba đã ban hành Kết luận số 25-KL/TU ngày 26/4/2016 về định hướng và giải pháp triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam. Đây là nội dung được Tỉnh ủy quan tâm chọn là một trong những lĩnh vực trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ và ra kết luận để làm cơ sở triển khai thực hiện. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển hơn nữa vùng Đông Nam cuả tỉnh trong đó có Thăng Bình. Đây là thời cơ, vận hội mới cho chúng ta đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội vùng Đông Thăng Bình trong thời gian đến. Vì vậy, huyện đang tích cực phối hợp với tỉnh và tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan để triển khai các dự án trên địa bàn. Theo Kết luận của Tỉnh ủy trong giai đoạn 5 năm đến, vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai xây dựng 6 nhóm dự án trọng điểm để tập trung đầu tư dựa trên các tiền đề, thế mạnh sẵn có của từng khu vực trong vùng. Sáu nhóm dự án trọng điểm này với tổng quy mô sử dụng đất khoảng hơn 10.000ha, trải dài trên vùng đông của 4 huyện, thành phố: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành, sẽ là động lực lan tỏa phát triển kinh tế cho các địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Theo đó, huyện Thăng Bình chúng ta liên quan trực tiếp đến nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An ở xã Bình Dương; mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng về phía Thăng Bình để phát triển nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may ở Bình Sa, Bình Nam.
Theo Quyết định số 389/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì vùng Đông Thăng Bình được xác định nằm trong cụm động lực của tỉnh, đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói chung và của huyện Thăng Bình nói riêng, đây là vùng được định hướng phát triển đô thị, theo đó đô thị Bình Minh được quy hoạch nằm trong cụm động lực số 2, định hướng phát triển thành đô thị loại 5 và tầm nhìn đến năm 2030, các đô thị trong cụm động lực số 2 bao gồm Hà Lam, Bình Minh (Thăng Bình), Hương An (Quế Sơn), Duy Nghĩa (Duy Xuyên) sẽ phát triển gắn liền với nhau và hình thành đô thị loại 3. Đồng thời phát triển khu vực ven biển Duy Xuyên, Thăng Bình theo mô hình dịch vụ, du lịch cao cấp và du lịch sinh thái biển.
Như vậy, thời gian đến vùng Đông Thăng Bình sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng định hướng vùng Đông sẽ là vùng tập trung phát triển các ngành nghề khai thác và chế biến thủy sản gắn với phát triển kinh tế biển. Phát triển các đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác và chế biến thủy sản, phấn đấu đưa kinh tế biển chiếm 40% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp.
BTV: Để thực hiện định hướng trên cần có những giải pháp gì thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Công Vỹ: Để triển khai thực hiện tốt các dự án trên thì cần phải tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai, quản lý hiện trạng vùng Đông, triển khai tổ chức thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của 11 xã (ranh giới từ giáp biển lên đến Quốc lộ 1A), đặc biệt là cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã có dự án phảo tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm: Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, dự án du lịch nghỉ dưỡng 230 ha tại Bình Dương, Dự án điện năng lượng mặt trời (200 ha) Bình Nam, các dự án đầu tư vào khu vực mở rộng của khu công nghiệp Tam Thăng về phía Thăng Bình; các dự án giao thông huyết mạch kết nối vùng Đông và vùng Tây của huyện…Thực hiện tốt công tác quy hoạch, liên kết vùng Đông Thăng Bình với các địa phương lân cận để phát triển công nghiệp, du lịch. Phối hợp với tỉnh để quy hoạch mở rộng khu công nghiệp Tam Thăng đến xã Bình Sa, Bình Nam; mở rộng quy mô nâng cụm công nghiệp Hà Lam- Chợ Được lên thành Khu công nghiệp.
- Hơn nữa, muốn phát triển dịch vụ, du lịch thì cần phải tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện nay, huyện đang tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây mới tuyến đường Quốc lộ 14E kéo dài, đoạn từ Cây Cốc – thị trấn Hà Lam đến tuyến đường ven biển, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 14E đoạn từ Cây Cốc đến đường Cao Tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, tuyến giao thông từ cầu Bình Dương đến tuyến đường ven biển. Đề nghị nâng cấp đường Thanh niên ven biển thành tỉnh lộ; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ĐH đạt tiêu chuẩn đường cấp 5 đồng bằng, khớp nối các tuyến đường ngang ven biển với Quốc lộ 1A. Kiến nghị, đôn đốc, phối hợp triển khai dự án nạo vét sông Trường Giang để phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch sông nước và nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng bãi tắm biển tại xã Bình Minh, Bình Dương.
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trước mắt tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện. Xây dựng, quảng bá và tổ chức các tour du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, kết nối với các vùng du lịch như Hội An, Mỹ Sơn, ven sông Thu Bồn, phía Đông Tam Kỳ, Núi Thành, hồ Phú Ninh, các khu du lịch, khu di tích lịch sử phía Tây Nam của tỉnh. Phát huy các giá trị văn hóa lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống.
- Phát triển ngành thuỷ sản theo hướng chất lượng và bền vững. Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế thủy sản, hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ. Củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác thuỷ sản. Chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh rau sạch, trồng hoa, cây cảnh ở Bình Triều, Bình Phục..., xây dựng các cánh đồng tập trung, chuyên sản xuất cây màu: đậu phụng, ngô,...ở Bình Nam, Bình Sa; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của làng nghề truyền thống như làng nghề rau sạch Mỹ Hưng (Bình Triều), làng nghề nước mắm Cửa khe (Bình Dương)...nhằm phát triển nông nghiệp bền vững làm hậu cần cho phát triển du lịch và đô thị.
BTV: Xin đồng chí cho biết, trước mắt từ nay đến cuối năm, cần đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì?
Đồng chí Phan Công Vỹ: Để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án ở vùng Đông trong thời gian đến, Huyện ủy, UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Kết luận số 25-KL/TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về định hướng và giải pháp triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam một cách cụ thể, sát với tình hình thực tế địa phương và tổ chức hội nghị quán triệt Kết luận của Tỉnh ủy trong tháng 7/2016. Một số nhiệm vụ trọng tâm của huyện cần tập trung từ nay đến cuối năm là:
Thứ nhất, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng Đông của huyện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ thống nhất chủ trương và phê duyệt quy hoạch chung điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế mở Chu Lai về phía Thăng Bình; bổ sung 3 xã Bình Nam, Bình Sa, Bình Hải vào ranh giới Khu kinh tế mở Chu Lai để thuận lợi cho đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo công tác GPMB các dự án trọng điểm để triển khai thi công trong năm 2016 như: Dự án xây dựng các tuyến giao thông từ Quốc lộ 1A (ngã ba Cây cốc) đến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi và từ Quốc lộ 1A (ngã ba Cây cốc) đến tuyến đường ven biển (129), tuyến giao thông từ cầu Bình Dương đến tuyến đường ven biển (129)…Tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, BQL Khu kinh tế mở Chu Lai để đề xuất, kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức sắp xếp dân cư vùng Đông của huyện, trong đó xác định ưu tiên khu vực thực hiện giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An trong cuối năm 2016- đầu năm 2017.
Thứ ba, nhiệm vụ rất quan trọng trong thời gian đến là huyện phải tăng cường công tác quản lý hiện trạng, quản lý đất đai, tránh hiện tượng xây dựng, lấn chiếm đất đai trái phép, góp phần đẩy nhanh công tác BTTH- GPMB, tái định cư các dự án trọng điểm. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai ở 11 xã phía Đông Quốc lộ 1A trước ngày 31/12/2016. Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo gồm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phụ trách từng xã và các ngành chức năng, Chủ tịch
UBND
các xã
liên quan
để thường xuyên theo dõi, chỉ đạo để thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Thứ tư, tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, vận dụng tốt các cơ chế chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào huyện, nhất là các dự án du lịch ven biển.
BTV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!