
Ảnh: Mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất tại xã Bình Đào
Những năm gần đây, những khái niệm về cánh đồng mẫu, cánh đồng tập trung đã trở nên quá quen thuộc với bà con nông dân nơi đây. Năng suất lúa cao hơn, ít tốn công lao động và dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất là những hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại. Do đã nhận thấy những lợi ích từ việc tham gia mô hình cánh đồng tập trung của Hợp tác xã những năm trước mà nhiều hộ dân đã sẵn sàng tham gia vào mô hình mới này. Vụ Đông Xuân 2015 – 2016, có 149 hộ nông dân tại thôn Trà Đóa 1 tham gia với tổng cộng 149 thửa, khi tham gia vào mô hình tích tụ ruộng đất này, toàn bộ số thửa đất trên với diện tích khoảng 10 ha được tập trung lại thành 57 thửa có diện tích lớn hơn. Điều đó đã tạo điều kiện để Hợp tác xã nông nghiệp Bình Đào triển khai thực hiện mô hình máy cấy lúa. Ông Trần Thanh Trung – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết “Vì đây là mô hình được thực hiện thí điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống cho người nông dân trên địa bàn xã, nên UBND xã đã tham mưu cho Đảng ủy và HĐND xã trực tiếp thành lập Ban chỉ đạo và 2 tổ công tác thực hiện mô hình. Đồng thời, UBND xã Bình Đào coi đây là nhiệm vụ chính nên đã phối hợp với HTX Nông nghiệp Bình Đào tiến hành quy hoạch, vận động và tổ chức họp dân. Trong đó, UBND xã trực tiếp chủ trì các kỳ họp”. Đến nay, nhiều bà con tham gia mô hình bày tỏ sự phấn khởi về hiệu quả năng suất của việc áp dụng máy cấy lúa. Cây lúa được cấy bằng máy đẻ nhánh nhiều, mỗi cây lúa phát triển từ 10 đến 15 nhánh lúa khỏe cho bông to, hạt chắc, mật độ phân tán đẻ nhánh trải đều khắp mặt ruộng. Vụ Đông Xuân 2015 – 2016 này, gia đình bà Lê Thị Mai Phước, thôn Trà Đóa 1, xã Bình Đào canh tác gần 4 sào lúa. Các thửa ruộng của gia đình bà tuy nằm cạnh nhau nhưng diện tích nhỏ nên khó khăn trong canh tác. Vụ này, gia đình bà tham gia vào mô hình tích tụ tập trung ruộng đất của HTX nông nghiệp Bình Đào nên các thửa ruộng này được dồn lại thành một. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc canh tác của gia đình. “Khi tham gia vào mô hình, chúng tôi còn được mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống với giá rẻ hơn thị trường và có thể trả sau khi thu hoạch nên chúng tôi rất phấn khởi”, bà Lê Thị Mai Phước cho biết thêm.
Trong những mùa vụ trước đây, xã Bình Đào đã đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất trong nông nghiệp, đặc biệt là đưa máy cấy lúa vào sản xuất nhằm thay thế việc cấy lúa thủ công bằng tay trước đây nên năng suất lúa của xã luôn đạt ổn định ở mức cao nhất huyện, đạt gần 60 tạ/ha. Vì vậy, với việc tiếp tục triển khai mô hình tích tụ tập trung ruộng đất này càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất một cách đồng bộ hơn. Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện nhận định, hiệu quả thu được từ mô hình trên rất lớn. Đây là cơ hội chỉnh trang đồng ruộng, cơ cấu lại sản xuất, canh tác lúa trên diện tích và quy mô lớn, dần xóa bỏ tập tục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu gắn kết.
Khi dịch vụ máy cấy đi vào hoạt động triển khai đồng bộ cơ giới hóa vào đồng ruộng sẽ góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất, huyện Thăng Bình đang xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn trong thực hiện việc tích tụ tập trung ruộng đất. Cụ thể trong giai đoạn 2015 – 2016, huyện sẽ tiến hành quy hoạch khoảng 20ha để sản xuất lúa và lạc. Giai đoạn 2017 – 2018 sẽ tiếp tục quy hoạch khoảng 30ha nữa để sản xuất lúa, lạc và dưa hấu. Các diện tích quy hoạch này sẽ được thực hiện thí điểm tại xã Bình Đào. Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ giống, phương tiện sản xuất để thực hiện thành công mô hình này. Qua đó, tạo điều kiện để từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, những cánh đồng tập trung. Ông Nguyễn Văn Bé Hai - Giám đốc Công ty Giống cây trồng miền Nam cho biết: “Hiện nay, số lượng giống chúng tôi cung cấp cho HTX Bình Đào vẫn còn rất hạn chế. Việc tích tụ tập trung ruộng đất như thế này sẽ tạo điều kiện để xây dựng những cánh đồng lúa chuyên canh với chất lượng cao và đồng đều hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn mở rộng được việc cung ứng giống trên địa bàn toàn huyện Thăng Bình để từ đó có thể nhân rộng sản xuất ra khắp toàn tỉnh Quảng Nam.
Tích tụ tập trung ruộng đất tạo ra quy mô lớn hơn cho đơn vị sản xuất để hình thành cánh đồng mẫu. Tập trung thành vùng sản xuất chuyên canh có quy mô lớn, giảm chi phí lao động, chi phí đầu tư phân, giống,…ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo sự gắn kết giữa nông dân với hợp tác xã. Với nhiều cách thức vận động, sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị của địa phương và đặc biệt là những kết quả khả quan của mô hình đã tạo được sự hưởng ứng của người dân, sự tin tưởng của các nhà cung ứng giống, máy móc và vật tư nông nghiệp. Từ đó, tạo tiền đề để nhân rộng mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, góp phần tạo cơ sở để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa.