Chi tiết tin

A+ | A | A-

Nhọc nhằn ước mơ ra biển lớn

Người đăng: Admin Huyện ủy Ngày đăng: 10:30 | 18/03/2016 Lượt xem: 1747

Đã hơn 40 năm đi qua sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, dãi đất Bình Nam-Thăng Bình nơi chỉ có gió và cát trắng giải dầu mưa nắng quanh năm; nơi mà người Bình Nam bao đời oằn mình gian lao chống chịu. Hạt gạo, củ khoai cũng trở mình lo toan theo những mùa vụ vơi đầy. Khát vọng về một cuộc sống no đủ hằng ngày cứ theo bước chân của lũ trẻ đến trường, theo người nông dân sớm hôm ra đồng cày cấy, theo những vạn chài trên đôi vai rám mặn tìm tôm cá biển khơi. Ước mơ đám trai làng vùi vào chuyện cơm áo. Chuyện tương lai tạm gởi lại cho lớp cháu con.

Bình Nam là một trong 4 xã có biển của huyện Thăng Bình, người dân hai thôn Phương Tân, Vịnh Giang xưa nay đa phần chỉ biết mưu sinh bằng nghề chài lưới. Ngày nay, cuộc sống lại càng bấp bênh khi con mực quen mồi, con cá quen câu, thuyền nhỏ sóng to, nguồn lợi gần bờ thưa thớt. Hàng trăm thanh niên trai tráng phải tạm rởi bỏ quê hương để theo những đoàn thuyền đánh bắt xa bờ tận Đà Nẵng, Quảng Ngãi tìm phương đổi đời. Ước mơ về những con thuyền rẽ sóng vươn khơi xa là niềm mong ước của bao người dân làng chài xã nghèo nơi đầu sóng ngọn gió.

Từ khi có Nghị định 67 của Chính phủ ra đời: như một luồng gió mới đánh tan suy nghĩ “cái khó bó cái khôn” người dân làng chài bấy lâu nay. Những người con Bình Nam mang trong mình khát vọng được làm giàu cho quê hương trên chính vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc như trổi dậy. Họ bắt tay ngay vào việc xây dựng phương án vay vốn để đóng tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển, điều phấn khởi là trong một thời gian ngắn các phương án vay vốn đóng tàu, trang bị ngư cụ và phương án tổ chức khai thác đánh bắt đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Niềm vui, niềm mong đợi tưởng chừng như đã thành hiện thực; thế nhưng khi đến công đoạn tiếp cận vốn, họ như bị dội một gáo nước lạnh vào khát vọng cháy bỏng bởi một lý do vô cùng khó hiểu. “đề án tuy được phê duyệt nhưng người làm nghề khai thác biển của xã Bình Nam không có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ”, đó là câu trả lời của đơn vị cho vay vốn theo chủ trương của Chính phủ được anh Nguyễn Xuân Cảnh – ĐUV, Phó chủ tịch UBND xã Bình Nam thay lời chủ dự án thuật lại.

Cũng qua cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Ngọc Liêm – cán bộ văn phòng xã Bình Nam; người luôn đồng hành với các dự án vay vốn đóng tàu cho biết; người làm biển ở Bình Nam bao đời nay không còn lạ lẫm gì với công việc khai thác trên biển, và hiện nay Bình Nam có hàng trăm thanh niên trong độ tuổi lao động đang hành nghề đánh bắt xa bờ trên các phương tiện tại các chủ tàu xã Bình Minh, Bình Dương huyện Thăng Bình và các chủ tàu lớn khác tại Núi Thành, Quảng Ngãi, Đà Nẵng …trong khi trên thực tế, mỗi phương tiện thực hiện công việc khai thác ngoài khơi cần tối đa là 20 lao động. Như vậy với lực lượng lao động trên biển của Bình Nam là hàng trăm thanh niên, thì nhu cầu giải quyết lao động là khá lớn. Anh Nguyễn Ngọc Liêm còn nói thêm: nếu được tiếp cận vốn, các chủ tàu ở Bình Nam sẵn sàng bước đầu thuê thuyền trưởng, máy trưởng để vươn khơi, còn lực lượng lao động thì không thành vấn đề. Thanh niên làm biển ở Bình Nam luôn mong muốn được tham gia đánh bắt trên chính những con tàu của quê hương mình.

Phải chăng, một chủ trương lớn hợp lòng dân, có lợi cho ngư dân; đặc biệt Bình Nam là một xã đặc biệt khó khăn của một huyện đặc biệt khó khăn lại tiếp tục gánh chịu thiệt thòi và chẳng hề có được một cơ chế ưu đãi đặc biệt nào để vay vốn hay sao? Và người dân phải còn bền bỉ chờ đợi như chờ sự ban ơn đến khi nào nữa đây? Và còn quá nhiều câu hỏi có thể đặt ra chưa có lời giải đáp.

Biển Đông đang dậy sóng từng ngày, Tổ quốc đang đứng trước mưu đồ xâm lăng của ngoại ban. Những người con trên vùng biển quê hương đang ngày đêm khao khát được ra khơi bám biển, được góp sức vào công cuộc gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, họ khao khát được làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương, đất nước.

Nhìn lại lịch sử của dân tộc, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn  về những bài học kinh nghiệm giữ nước của các triều đại phong kiến thân dân: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước(1).

Ngày hôm nay, không chỉ riêng ngư dân Bình Nam mà tất cả các ngư dân ven biển của cả nước đang từng ngày mong đợi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển của Chính phủ. Một chính sách, một chủ trương vô cùng sát đúng với thực tiễn, với nhu cầu thiết thân của người vạn chài. Nhưng chính sách ấy cần phải có sự vào cuộc tích cực của tất cả các cấp, các ngành chức năng có liên quan để nhân dân bớt đi nỗi nhọc nhằn tìm lối vươn khơi bám biển.

Tác giả: Việt Sơn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Lịch công tác tuần

Text/HTML


 

Văn kiện đảng bộ huyện

Liên kết website

Lượt truy cập

Tổng số lượt truy cập

000031405496