Cũng giống như nhiều năm trước, vụ lúa Đông Xuân năm nay, gia đình ông Trương Quý - thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý sử dụng giống lúa Nhị ưu 838 để cấy. Theo ông Quý, đây là giống lúa dễ làm, gạo ngon và khá phù hợp với điều kiện đất đai của khu vực này. Tuy nhiên, năm nay lại xảy ra một tình trạng bất thường là lúa trổ rất sớm, trổ không đều và thời gian trổ lại kéo dài. “Lúa trổ từ trước tết đến bây giờ nhưng vẫn chưa cúi, chưa phơi màu mà trổ cũng không đều nữa. Những năm trước lúa ở cánh đồng này rất tốt, chiều cao của lúa đến khi trổ cũng phải một mét mà năm nay chỉ khoảng chưa tới bốn mươi phân, chúng tôi thật sự rất lo lắng”, ông Quý cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện khu vực này có khoảng 10 thửa ruộng với diện tích trên 7.000 mét vuông đều xảy ra tình trạng lúa trổ sớm như thế này. Nhiều hộ nông dân ở đây cho biết, thường thì tư khi sạ đến khoảng 80 ngày thì lúa mới trổ nhưng năm nay chỉ khoảng sáu mươi ngày là lúa đã trổ. Hơn nữa thời gian trổ kéo dài hơn một tháng mà đến nay vẫn trổ chưa xong. Điều đáng nói là mỗi hộ dân ở khu vực này chỉ có duy nhất một thửa ruộng để sản xuất trước tình trạng này nên họ cảm thấy rất lo lắng. Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý cho biết “Tôi mua lúa công ty về làm nhưng giờ lúa bị như thế này thì không biết tính sao đây. Nhà tôi có 4 khẩu nhưng chỉ có 1 sào lúa, giờ lúa gặp tình trạng này thì khả năng là mất trắng rồi, không biết làm sao đây”.

Bà Nguyễn Thị Hoa - thôn Quý Thạnh 2, xã Bình Quý lo lắng vụ lúa này sẽ bị mất trắng.
Trước tình trạng như vậy, nhiều hộ nông dân ở đây đã báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện để tìm hiểu nguyên nhân cũng như biện pháp hỗ trợ hợp lý. Họ cho rằng, giống lúa Nhị ưu 838 được nhập khẩu bởi công ty cổ phần nông dược 2, có địa chỉ Quận 1, Tp. HCM mà họ mua để sản xuất chính là nguyên nhân xảy ra tình trạng như hiện nay. Ông Đặng Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý khẳng định “đến nay trên địa bàn xã có khoảng hơn 7.000 mét vuông lúa của 10 hộ dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này. Giống lúa bị trổ sớm này được người dân lấy ở Trạm khuyến nông huyện Thăng Bình. Biện pháp trước mắt của xã là lập danh sách thống kê diện tích ảnh hưởng báo cáo về huyện và các ngành chức năng cấp trên để phối hợp tìm cách giải quyết. Đồng thời cử cán bộ Ban nông nghiệp xã xuống nắm diện tích của từng hộ để làm căn cứ, khi xác định được nguyên nhân thì hỗ trợ sau”.
Vụ Đông Xuân năm nay, cùng với dịch bệnh, chuột phá hại do những diễn biến bất thường của thời tiết, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đang đứng trước một vụ lúa mất mùa. Và trong khi chờ đợi sự vào cuộc kiểm chứng nguyên nhân dẫn đến việc lúa trổ sớm và có biện pháp hỗ trợ thì nhiều nông dân ở đây đang phải sống trong lo lắng trước mùa giáp hạt.