Phát huy lợi thế
Vùng Đông Thăng Bình có diện tích tự nhiên 14.426 ha, chiều dài 25 km bờ biển, 26 km sông Trường Giang, có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển, thương mại, dịch vụ, du lịch; có nguồn tài nguyên đất và tài nguyên biển phong phú là điều kiện tốt để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá (rau sạch, các sản phẩm thủy sản…), phát triển kinh tế thủy sản gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Có không gian hợp lý phát triển đô thị ven biển; không gian cảnh quang ven sông thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái sông nước. Đặc biệt, cầu Cửa Đại được xây dựng nối liền giữa Thăng Bình - Duy Xuyên - Hội An là một cơ hội rất lớn cho huyện Thăng Bình. Đồng thời, vùng Đông rất có tiềm năng về du lịch lịch sử- cách mạng- văn hóa, với 01 di tích lịch sử, 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (địa điểm diễn ra Cuộc đấu tranh Hà Lam- Chợ Được; Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư), lại gần kề Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn- hai di sản văn hóa Thế giới của Việt Nam, nên Thăng Bình có điều kiện thuận lợi thu hút lượng khách để phát triển du lịch, từ đó các hoạt động thương mại - dịch vụ đi kèm có khả năng phát triển. Khai thác lợi thế các bãi tắm hoang sơ, sạch đẹp như biển Bình Minh, Bình Dương và các điểm phụ cận, ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển kết hợp với phát triển du lịch lễ hội, tâm linh, lấy Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được, Lễ hội cầu ngư ở các xã ven biển làm hạt nhân cùng kết hợp với phát triển du lịch làng quê, làng nghề truyền thống: làng rau Hưng Mỹ- Bình Triều; làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe – Bình Dương, Tân An - Bình Minh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái trên sông Trường Giang và các điểm phụ cận (từ xã Bình Giang, Bình Dương đến xã Bình Nam, Bình Hải) kết hợp tham quan các làng nghề, làng quê dọc 2 bên bờ sông, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…

Bãi tắm biển Bình Minh

Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được diễn ra vào ngày mồng mười và mười một tháng giêng ÂL hằng năm thu hút rất đông du khách
Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của tỉnh về quy hoạch vùng Đông, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các ngành liên quan, huyện Thăng Bình đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông các xã miền biển tương đối đồng bộ- điều kiện cần để phát triển du lịch: đường dẫn cầu Cửa Đại nối liền Hội An- Duy Nghĩa- Thăng Bình- Tam Kỳ; đường Đông Trường Giang, Quốc lộ 14E, đầu tư tuyến ĐT613 (nối liền Bình Dương, Bình Minh và Quốc lộ 1A), sửa chữa, nâng cấp đường Thanh niên ven biển, đầu tư xây dựng 40km đường ĐH,…Qua đó, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng, cả huyện nói chung.
Phát triển đô thị tương lai gần
Theo Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 28/11/2011 về phê duyệt quy hoạch vùng Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, thì vùng Đông Thăng Bình được định hướng phát triển đô thị, theo đó đô thị Bình Minh được quy hoạch nằm trong cụm động lực số 2, định hướng phát triển thành đô thị loại 5 và tầm nhìn đến năm 2030 phát triển thành đô thị loại 3. Đồng thời phát triển khu vực ven biển Duy Xuyên, Thăng Bình theo mô hình dịch vụ, du lịch cao cấp và du lịch sinh thái biển. Phát triển khu vực Nam Hội An thành trung tâm du lịch đạt tiêu chuẩn Quốc tế, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng ven biển Quảng Nam thuộc Cụm động lực số 2.
Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đang làm thủ tục đầu tư vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các xã vùng Đông Thăng Bình như: hệ thống Khu nghỉ dưỡng tại Bình Minh (do Công ty TNHH Châu Á Thái Bình Dương, Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Long Á làm chủ đầu tư) với tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng; dự án khu nghĩ dưỡng tại xã Bình Dương; dự án điện năng lượng mặt trời 200 ha đang triển khai ở Bình Nam và một số nhà hàng tại Bình Triều, đây là bước khởi đầu cho việc phát triển thương mại- dịch vụ tại địa phương. Trong quý I năm 2016, khi Cầu Cửa Đại và tuyến đường bộ ven biển khánh thành là điều kiện thu hút, mời gọi nhà đầu tư triển khai các dự án trên; đồng thời huyện sẽ tích cực phối hợp đề nghị với tỉnh mở rộng các khu cụm công nghiệp Tam Thăng, Đông Quế Sơn đến đất Thăng Bình và các dự án khác,…Đặc biệt, vừa qua Thăng Bình đã được công nhận là địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được ưu đãi đầu tư theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ. Đây sẽ là điều kiện để huyện đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với huyện Thăng Bình trong thời gian đến.
Giải pháp phát triển
Muốn phát triển dịch vụ, du lịch thì trước hết cần phải tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện nay, huyện đang tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây mới tuyến đường Quốc lộ 14E kéo dài, đoạn từ Cây Cốc – thị trấn Hà Lam đến đường bộ ven biển, nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 14E đoạn từ Cây Cốc đến đường Cao Tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Đề nghị nâng cấp đường Thanh niên ven biển thành tỉnh lộ; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ĐH đạt tiêu chuẩn đường cấp 5 đồng bằng, khớp nối các tuyến đường ngang ven biển với Quốc lộ 1A; nâng cấp tuyến đường ĐH đoạn từ xã Bình Minh đi Tam Kỳ lên đường ĐT. Đôn đốc, thúc đẩy dự án nạo vét sông Trường Giang để phát triển đường thủy phục vụ du lịch sông nước và nuôi trồng thủy sản.
Công tác quy hoạch là vấn đề rất đáng quan tâm, huyện đang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, quản lý đất đai vùng Đông. Đối với những khu vực đã thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện công tác đầu tư, xây dựng chỉ đạo tổ chức quản lý tốt hiện trạng, tránh hiện tượng xây dựng, lấn chiếm đất đai.
Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng bãi tắm biển tại xã Bình Minh, bao gồm các dịch vụ: giám sát cứu hộ, dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, vui chơi, giải trí…bố trí các cửa hàng bán hàng lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ biển, làng nghề truyền thống để phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trước mắt tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng và bãi tắm xã tại Bình Minh, khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An (230 ha) tại xã Bình Dương... Xây dựng, quảng bá và tổ chức các tour du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, kết nối với các vùng du lịch như Hội An, Mỹ Sơn, ven sông Thu Bồn, phía Đông Tam Kỳ, Núi Thành, hồ Phú Ninh, các khu du lịch, khu di tích lịch sử phía Tây Nam của tỉnh. Các ngành chức năng tích cực phối hợp xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng bến đỗ thuyền du lịch trên sông Trường Giang tổ chức kết nối khu du lịch Nam Hội An để hình thành các dịch vụ tham quan bằng ghe, thuyền ngắm cảnh sông nước, dịch vụ câu cá, vui chơi, dã ngoại, tổ chức các dịch vụ thưởng thức ẩm thực từ các sản phẩm từ sông, biển của địa phương, phát triển dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay (du lịch xanh), hiện đang được rất nhiều người trên thế giới yêu thích. Nâng cấp hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, đặc biệt tại các chợ có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời thuận lợi về giao thương đường bộ, đường sông, tạo điểm tham quan, mua sắm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán và cuộc sống cộng đồng dân cư địa phương. Tổ chức hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu các lễ hội văn hóa truyền thống, đặc biệt là Lễ hội Bà Chợ được, các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống như: làng nghề nước mắm Cửa Khe, chế biến cá khô, làng rau sạch Hưng Mỹ,… tạo các điểm du lịch trải nghiệm kết hợp giới thiệu, cung ứng các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Với những điều kiện, thời cơ thuận lợi như vậy, tin chắc rằng sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, vùng Đông Thăng Bình hứa hẹn sẽ là vùng kinh tế sôi động của Thăng Bình nói riêng và Quảng Nam nói chung trong thời gian đến, mở ra triển vọng phát triển mới, cơ hội đổi đời cho cuộc sống người dân nơi đây.