
Ảnh: Lao động đang làm việc tại Tổ hợp tác mây tre đan Hồng Anh.
Tháng 7/2015, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Tổ hợp tác mây tre đan Hồng Anh (Bình An) đã mở lớp đào tạo nghề đan mỹ nghệ cho 50 lao động tại địa phương. Ngay từ bước đầu nhiều lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi rất đồng tình và đăng ký tham gia học nghề này. Lớp học được tổ chức chặc chẽ, đảm bảo chất lượng nên sau 03 tháng đào tạo, đến nay số lao động tham gia học đều có thể làm được nghề đã học và được nhận vào làm việc tại Tổ hợp tác mây tre đan Hồng Anh. Chị Nguyễn Thị Liễu ở thôn An Thái, xã Bình An cho biết: vì không có việc làm ổn định nên tôi và nhiều chị em phụ nữ ở xã ở nhà làm nông, vì thế thu nhập của tôi và nhiều chị em cũng bấp bênh. Khi nghe tin Tổ hợp tác mây tre đan Hồng Anh mở lớp dạy nghề mây tre đan chúng tôi rất mừng. Sau khi học xong nghề tôi có thể vừa tranh thủ thời gian lúc nông nhàn để làm nghề này, tăng thu nhập cho gia đình vừa có điều kiện chăm lo cho các con ăn học. Năm nay gần 60 tuổi nhưng bà Trần Thị Phước ở thôn An Thái, xã Bình An cũng tham gia lớp học. Bà Phước cho biết: nghề mây tre đan này phù hợp với những người tuổi cao như bà vì công việc nhẹ, có thể vừa kết hợp làm việc nhà vừa làm thêm nghề này để tăng thu nhập cho gia đình. Qua làm thử tại lớp học mỗi tháng bà có thể thu nhập được hơn 1 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn so với tuổi lao động của bà.
Tổ hợp tác mây tre đan của chị Trần Thị Hồng Anh ở thôn An Thái xã Bình An được thành lập từ năm 2003 chủ yếu hợp đồng làm gia công đan ghế mây, rương mây, ghế nhựa,... cho các công ty như Âu Cơ (Núi Thành), Nam Phước (Duy Xuyên), Đông Huy (Đà Nẵng).... Hiện tại, Tổ hợp tác mây tre đan của chị đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80 lao động, chủ yếu là chị em tại thôn An Thái, xã Bình An, mỗi tháng đem lại thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Đặc biệt, trong thời gian qua, Tổ hợp tác mây tre đan Hồng Anh được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện hỗ trợ kinh phí mở lớp đào tạo nghề làm hàng mỹ nghệ như lồng đèn, lọ hoa, lẵng hoa, những mẫu hàng lưu niệm bán cho khách tại Hội An hay các mặt hàng dân dụng như giỏ đi chợ, sọt rác ... làm đa dạng thêm sản phẩm cho Tổ hợp tác, góp phần tăng thêm thu nhập cho chị em. Chị Hồng Anh cho biết: Mong muốn của tôi là mở rộng thêm diện tích của Tổ hợp tác để có điều kiện tăng chủng loại mặt hàng, tạo việc làm cho nhiều lao động hơn nữa nhưng khó khăn là thiếu vốn đầu tư nên chưa thực hiện được.
Ngoài Tổ hợp tác mây tre đan Hồng Anh ở xã Bình An thì toàn huyện Thăng Bình có 10 Tổ hợp tác mây tre đan, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động nữ tại địa phương. Từ khi thành lập đến nay, các cơ sở đan mây tre trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho nhiều chị em nông thôn, tạo được nguồn thu nhập, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ đầu năm tới nay, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh và nguồn hỗ trợ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ của huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thăng Bình đã hỗ trợ 890 triệu đồng để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất. Ông Đỗ Võ Bán - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Trong năm 2016, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện sẽ mở thêm 3 lớp đào tạo nghề như: chẻ chu hương, mây tre đan cho lao động ở các xã Bình Quế, Bình Triều, Bình Sa và thị trấn Hà Lam; hỗ trợ kinh phí để các cơ sở sản xuất có điều kiện mở rộng sản xuất. Ngoài ra, còn tổ chức cho lao động đi học các nghề mới ở các tỉnh phía Bắc như: làm bún giong (miến), bánh tráng rế, sản xuất bánh kẹo từ nông sản... Hiện nay, huyện luôn coi đào tạo nghề là khâu then chốt để giải quyết việc làm. Để lao động nông thôn thực sự sống được bằng nghề đã học, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện không đào tạo tràn lan hoặc đào tạo những nghề không phù hợp mà tổ chức đào tạo theo yêu cầu của chủ các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nên đảm bảo mọi lao động sau khi học nghề đều có việc làm và thu nhập ổn định. ông Bán nói.